“Chúng tôi đã chơi một kỳ Euro tuyệt diệu,” Luis Enrique nói trong niềm tự hào nhưng không giấu được nỗi buồn trên gương mặt sau thất bại trước người Italia. “Sau 9 năm ròng rã băng qua sa mạc, Tây Ban Nha đã trở lại. Chúng tôi sẽ không trở về nhà trong buồn bã – không hề – bởi chúng tôi biết mình là một trong những đội xuất sắc nhất.”
Lấy thắng bại luận anh hùng đã là lẽ điều của xưa nay. Và khi Italia vượt qua Tây Ban Nha trên loạt sút luân lưu để điền tên vào trận chung kết, đó vẫn là sự hiệu quả và tính già rơ mà tập thể của Luis Enrique còn thiếu. Nhìn vào tổng thể giải đấu, sự hiện diện của Azzurri trong trận đấu cuối cùng tại Wembley là hoàn toàn xứng đáng và là thành quả của 3 năm dày công miệt mài đến từ đội ngũ ban huấn luyện Roberto Mancini, cũng như của cuộc cách mạng tư duy chơi bóng mà người Italia đã lựa chọn gần một thập kỷ.
Nhưng nói vậy không có nghĩa rằng màn trình diễn của Tây Ban Nha trước người Italia ở bán kết là ánh chớp. Khi kết quả không mang tính khẳng định thì với một tập thể trẻ thứ 5 của kỳ Euro 2020 như La Roja, nhìn vào quá trình là để thấy niềm tin ở phía trước.
Có quá nhiều thứ đã khiến những điểm tích cực của La Roja bị lu mờ trong suốt giải đấu. Ngay từ trước khi quả bóng bắt đầu lăn, người Tây Ban Nha chẳng tin mấy vào 24 con người được Enrique lựa chọn. Với trung tâm của đất nước bán đảo Iberia, nỗi niềm phẫn uất của lần đầu tiên không một bóng dáng Real Madrid xuất hiện trong đội hình đội tuyển ở một giải đấu lớn là điều không thể thứ tha. Người Madrid vẫn tin Enrique có thù oán với họ, và vì lẽ đó, ông là HLV tệ nhất trong lịch sử đội tuyển, bất chấp ngày hội chưa bắt đầu.
Luis Enrique đã nhận vô số chỉ trích từ đội hình triệu tập 24 cái tên cuối cùng của Tây Ban Nha
Song, với một “kẻ dị giáo” từng sẵn sàng tự nhận bản thân không phải là một tính cách tốt lành gì trong thời đại, không ngại bị chỉ trích và sẵn sàng đáp trả, Enrique luôn có một niềm tin.
“Tôi tin Tây Ban Nha sẽ là một trong 6 hay 7 đội mạnh nhất giải đấu, chắc chắn như vậy,” Enrique từng nói trong hoàn cảnh dịch bệnh khiến đội bóng của ông bỏ dở trận giao hữu cuối cùng để chuẩn bị cho Euro.
Thời điểm ấy, truyền thông Tây Ban Nha tiếp tục mổ xẻ đội hình triệu tập của Enrique. “Có nên tiếp tục đợi Busquets trở lại? Đây là những gương mặt Enrique cần cân nhắc thay thế,…” Họ đã nói như vậy. Nhưng với Enrique, không có lý do gì để phản bội chính mình: “Tôi luôn có ý tưởng rõ ràng cho lối chơi của đội tuyển ở kỳ Euro này. Những ai phù hợp với ý tưởng ấy đều có cơ hội để góp mặt. Và đó chính là 24 con người này.”
Và ý tưởng ấy, chính là: “Kế hoạch cho từng trận đấu sẽ nguyên vẹn như thế này: làm chủ quả bóng và làm những thứ thuộc về chúng tôi. Chúng tôi sẽ tạo ra nhiều cơ hội nhất có thể, cố gắng kiểm soát thế trận, cố gắng kiểm soát cả những đòn phản công của đối thủ. Khi phải phòng ngự, chúng tôi sẽ pressing tầm cao ngay trên phần sân đối thủ và đoạt lại bóng gần với khung thành đối thủ nhất có thể. Đó là kế hoạch, cả khi điều kiện trận đấu có thể khác.”
Trong cả cuộc hành trình, Tây Ban Nha chỉ giành chiến thắng trong thời gian chính thức của trận đấu đúng 1 lần – chiến thắng 5-0 trước Slovakia ở lượt trận cuối vòng bảng. Trước đó, họ bị Thụy Điển và Ba Lan cầm hòa. Sau đó, họ thắng Croatia trong hiệp phụ và vượt qua Thụy Sĩ chỉ trên loạt sút luân lưu. Kết quả dễ dàng che lấp bản chất vấn đề.
Các cầu thủ Tây Ban Nha vỡ òa sau màn đấu súng cân não với Thụy Sĩ
Trước trận bán kết với Italia, StatsBomb, công ty cung cấp dữ liệu bóng đá hàng đầu thế giới, chỉ ra: Tây Ban Nha là đội kiểm soát bóng nhiều nhất, có tỷ lệ phần trăm các pha gây áp lực trên phần sân đối phương nhiều nhất và là đội mắc ít đường chuyền từ đối thủ ở khu vực trọng yếu trước khung thành nhất.
Tây Ban Nha của Enrique luôn là đội nắm thế chủ động và áp đảo thế trận, gần như ở mọi thông số, bản chất của vấn đề là như vậy. Song, chất lượng hàng công phủ định tất cả. Để chiến thắng, bạn phải biết ghi bàn và các học trò của Enrique không giỏi làm chuyện đó.
Tây Ban Nha của hiện tại cũng không giống Tây Ban Nha ngày trước, thời hoàng kim 2008-2012. Trước tiên và phải nhắc lại, họ chẳng có những người biết kết thúc cơ hội giỏi. Và quan trọng, La Roja của ngày trước tạo nên những thế trận “chắc ăn” đến… phát nản cho đối thủ lẫn người xem. Còn La Roja của hiện tại, giải trí hơn và có nghĩa là liều lĩnh hơn.
Enrique có những cá nhân chạy miệt mài, không ngừng nghỉ - một thứ hợp mốt với xu thế bóng đá đề cao cường độ của ngày nay – như Pedri chẳng hạn. Họ cũng không còn đan bóng, xào qua xào lại để ru ngủ, mà chấp nhận mạo hiểm qua những đường phát triển bóng theo trục thẳng đứng (vertical).
Sự liều lĩnh còn là cả khi Enrique quyết định dùng Dani Olmo trong vai trò của một số 9 ảo hoặc một kiểu tiền đạo lùi trước Italia. Đấy không phải là một cuộc thử nghiệm của một nhà bác học điên, bởi Olmo có những tố chất để chơi ở vị trí ấy và Enrique chắc là đã nghiên cứu kỹ mới tung ra nước đi đó. Thời còn học tại La Masia, Olmo vốn đá ở trung tâm hàng công đến khi phải dạt ra cánh. Thầy cũ của Olmo, Julian Nagelsmann cũng từng xếp anh đá tiền vệ công, như một số 10.
Dani Olmo đã được bố trí sử dụng thi đấu ở vị trí số 9 ảo trong trận bán kết
Việc gần như thường trực xuất hiện ở khoảng trống giữa hai tuyến tiền vệ và hậu vệ của Italia đến từ Olmo tạo ra hai thứ: (1) giúp Tây Ban Nha có được thế áp đảo quân số ở hàng tiền vệ, thành thế 4 đánh 3, và (2) là khiến cặp trung vệ của Italia rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan - không biết có nên nhấc bước lên theo kèm hay giữ nguyên vị trí.
Enrique thử nghiệm, nhưng cũng là “học tập” chính lịch sử của người Tây Ban Nha. Nhìn vào dòng chảy thời gian từ World Cup 2006, đến Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012, tuyển Tây Ban Nha đi theo trình tự giảm dần tiền đạo: từ 3, xuống 2, còn 1 và cuối cùng là 0 – tức là việc sử dụng số 9 ảo chẳng phải điều gì mới mẻ trong lịch sử La Roja.
Những Verratti, Jorginho và Barella đã có một giải đấu xuất sắc, nhưng trước Tây Ban Nha, họ có một ngày thật sự mệt mỏi. Chính Pedri đã kéo đi Jorginho để giúp Morata có khoảng trống lớn gần vòng tròn giữa sân nhận bóng từ Laporte, từ đó xộc thẳng vào trung lộ, phối hợp cùng Olmo ghi bàn quân bình tỷ số.
Người Tây Ban Nha đã cho thấy, họ vẫn là bậc thầy ở thứ bóng đá kiểm soát bóng và định hướng vị trí, buộc Italia phải trở về hình ảnh truyền thống của mình và ghi bàn bằng sự chuyển tiếp từ thủ sang công với khoảnh khắc ngôi sao của Chiesa. Con người Tây Ban Nha, từ căn tính và văn hóa bóng đá, họ chơi thứ bóng đá ấy như khuôn đúc và là một cái gì đó mặc định.
Pedri đã kéo đi Jorginho để giúp Morata có khoảng trống lớn gần vòng tròn giữa sân
Với Enrique, việc đưa La Roja vào đến bán kết trong một thế trận tạo ra như thế trước Italia đã là thành công, khi mà trước đó có muôn vàn hoài nghi và chỉ trích.
Những Olmo và Morata, một người kiến tạo, một người ghi bàn giúp Tây Ban Nha gỡ hòa, nhưng cũng chính họ sút hỏng luân lưu. Đấy cơ bản là số phận an bàn mà trò chơi này mang tới.
Người Italia giúp Tây Ban Nha chứng minh hai điều: Thầy trò Enrique thật sự đã có một giải đấu hay hơn những gì được nhìn nhận, nhưng cũng tái khẳng định vấn đề hàng công của đội tuyển này. Song, những Morata, Moreno, Oyarzabal,… bỏ phí quá nhiều cơ hội trong cả giải, nhưng thật sự với bóng đá Tây Ban Nha lúc này, bói đâu ra những cái tên mang lại sự đảm bảo. Họ thất bại bởi việc chuyển hóa cơ hội, chứ không phải thất bại về ý tưởng và đấu pháp.
Enrique cho thấy niềm tin xuyên suốt của ông và cũng là cách ông luôn bảo vệ các học trò hết lần này đến lần khác. Morata đã từng bị các CĐV đe dọa, Enrique vẫn nhất quyết dùng anh. Unai Simon mắc lỗi dẫn tới pha đốt đền của Tây Ban Nha trước Croatia, nhưng chính anh góp công lớn giúp đội tuyển vượt qua Thụy Sĩ trên loạt luân lưu. Sarabia chỉ là kẻ đóng thế ở PSG và ai nấy cũng thắc mắc tại sao anh được triệu tập, nhưng chính anh ghi bàn đầu tiên trước Croatia. Những gì Enrique làm, là thứ mà mọi người thầy nên làm.
Luis Enrique đã đúng, ít nhất là ở chính bản thân ông
Enrique gai góc, nhưng kiên định và rạch ròi với triết lý của ông. Những người Tây Ban Nha chỉ trích ông đầu giải có lẽ sẽ phải thay đổi suy nghĩ sau cuộc hành trình này của La Roja. Chẳng phải tự nhiên mà Messi trong một lần phỏng vấn với kênh truyền hình La Sexta từng nói, có 2 HLV anh học được rất nhiều về chiến thuật là Pep Guardiola cùng Luis Enrique. Không phải may mắn mà ông từng giúp Barcelona giành cú ăn 3. Trong câu chuyện về sự thừa nhận, Enrique phần nào giống Zidane.
Việc dừng bước ở bán kết có khi là điều nên và là điều tốt với Tây Ban Nha của Enrique. Bởi công trình vẫn còn dang dở và những vấn đề được bộc lộ - nhất là chất lượng hàng công – sẽ dễ dàng sửa chữa. Những sự phát triển nào chẳng đi lên từ đấu tranh và vấp ngã. Khi gieo nên những hạt giống, con người phải cúi người nhìn xuống mặt đất, rồi sau đó mới ngửa mặt nhìn lên trời cao tự hào.
Hoàng Thông Le Foot
Tin thể thao 247 & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.