Bassano del Grappa (thuộc tỉnh Vicenza) nổi tiếng là nơi chưng cất loại rượu digestivo mà người Italia thích nhâm nhi như một nghi thức kết thúc những bữa ăn thịnh soạn kéo dài. Gần một thập kỷ trước, cũng chính nơi đây trở thành cái nôi của phong trào Risorgimento với riêng nền bóng đá đất nước hình chiếc ủng (Risorgimento là tên gọi của phong trào chính trị - xã hội thống nhất Italia vào thế kỷ thứ 19).
Bassano del Grappa là nơi sinh sống của Maurizio Viscidi, một điều phối viên kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá Italia (FIGC). Không những thế, đấy còn là quê hương của Antonio Gagliardi – một giáo viên của trường đào tạo HLV nổi tiếng của Italia, Coverciano – những lúc ông không phải làm việc trong ban huấn luyện của Andrea Pirlo hoặc của Roberto Mancini. Và, Bassano del Grappa cũng là tổng hành dinh của SICs, công ty tiền thân của Opta ở Italia – chuyên cung cấp những dữ liệu và phân tích bóng đá.
Với riêng Viscidi, ông đã thúc đẩy một cuộc cách mạng văn hóa trong tư duy bóng đá của người Italia. Khi Azzurri không thể giành quyền đến mùa hè nước Nga 2018, với Viscidi “bóng đá Italia như đã chết”. Song, đâu đó trong tư duy của người đàn ông sinh năm 1962 này, cái chết ấy là dấu hiệu của sự sống mới.
Viscidi đứng lớp chỉ đạo HLV các tuyến trẻ của LĐBĐ Italy
Viscidi được mang về FIGC vào năm 2010 bởi Demetrio Albertini. Cũng chính cựu tiền vệ AC Milan là người đề xuất ông thầy cũ Arrigo Sacchi thực hiện một loạt những cải cách đối với công tác đào tạo trẻ của nền bóng đá Italia. Viscidi sùng bái các phương pháp huấn luyện của Sacchi tới nỗi, vào cuối thập niên 80, ông quyết định chỉ làm công viêc bán thời gian trong vai trò huấn luyện ở CLB Padova để có thể nghiên cứu Milan của thần tượng. Nhờ cùng chí hướng, Milan thuê Viscidi vào làm việc ở học viện, từ đó truyền đạt lại kiến thức của Sacchi cho lứa U19. Đấy cũng chính là nơi Viscidi tình cờ gặp Albertini.
Trở lại với những cải cách của Sacchi. Dựa trên những xem xét và đánh giá của mình, huyền thoại bóng đá người Italia tin rằng thế hệ cầu thủ tiếp theo của Italia chơi bóng đá… chưa đủ nhiều. Giải pháp mà ông đề ra hết sức đơn giản: Thêm nhiều trận đấu trước các đối thủ mạnh vào lịch thi đấu, thành lập đội U15, tách bạch các giải trẻ trong nước để các đội ưu tú ở Serie A và Serie B không còn tốn thời gian cho những trận đấu trước các đội nghiệp dư ở Serie C và Serie D, đồng thời bắt đầu chỉ dạy các HLV về những nguyên tắc mà ông muốn họ truyền đạt lại cho lứa thế hệ cầu thủ kế tiếp.
Kết quả đến tương đối nhanh chóng. Năm 2013, lứa U17 của Italia vào đến chung kết châu Âu; cũng như cả lứa U21 với những Marco Verratti, Insigne và Immobile. Cảm thấy nền móng đã đủ kiên cố, Sacchi cất bước ra đi và nhường lại vai trò của mình cho chính Viscidi. Nhưng, tương lai của cả công trình bị đe dọa.
Khi Italia một lần nữa bị loại ở vòng bảng World Cup 2014, chủ tịch FIGC, Giancarlo Abete và HLV Cesare Prandelli từ chức ngay trong sóng truyền hình trực tiếp. Viscidi lo sợ bộ máy mới sẽ muốn đập hết tất cả và xây lại từ đầu.
Việc chỉ định HLV Conte chỉ diễn ra vài ngày sau khi Liên đoàn bóng đá Ý có chủ tịch mới là ông Carlo Tavecchio
Thời điểm Antonio Conte trở thành Commissario Tecnico, tức HLV trưởng đội tuyển quốc gia Italia, ông được trao quyền hạn mở rộng không khác gì một giám đốc kỹ thuật và có thể giám sát đội tuyển ở mọi cấp độ. Nói cách khác, Conte có thể tự tay giải quyết mọi vấn đề. Tuy nhiên, Conte quyết định chỉ chuyên tâm vào công tác huấn luyện đội tuyển và tin tưởng giao phó Viscidi tiếp tục gánh vác sứ mệnh mà Sacchi đã bắt đầu, đồng thời để Viscidi điều phối việc mở rộng các lĩnh vực hoạt động của FIGC, tuyển trạch và phân tích trận đấu.
Viscidi là người có tư tưởng phản văn hóa trong chừng mực. Ông không tin rằng DNA của bóng đá Italia chỉ là về phòng ngự và giành chiến thắng bằng lối chơi phản công. “Như thế không khác gì dạy một đứa trẻ ở trường chỉ biết đi sao chép,” Viscidi từng nói, như một tiếng vọng về sự đả phá của Sacchi đối với truyền thống catenaccio.
Viscidi cho rằng người Italia đã để “chiến thuật” đi trước “tài năng” quá lâu trong khâu phát triển cầu thủ trẻ, đồng thời văn hóa tôn sùng HLV ở Italia đáng bị lên án bởi có quá nhiều nhà cầm quân mới nổi chỉ chăm chăm tạo dựng tên tuổi của họ thay vì giúp các cầu thủ thành danh.
Bassano del Grappa còn là nơi nổi tiếng du khách gần xa với công trình bàn cờ có kích thước khổng lồ với mỗi quân cờ to như người thật. Với một con người sống ở vùng đất ấy, Viscidi không xem các cầu thủ đơn thuần chỉ là những quân cờ trong sa bàn của người HLV. Ông muốn bản thân các cầu thủ phải tự tư duy. Để rồi giờ đây, tuyển Italia được xây nên dựa trên 4 nguyên tắc cốt lõi được gói gọn thông qua 4 chữ cái viết tắt là C-A-R-P: Costruzione (triển khai bóng), Ampiezza (mở rộng chiều ngang sân), Rifinitura (tiếp cận thông qua khoảng trống giữa các tuyến và khu vực 1/3 sân cuối) và Profondita (khoảng trống sau hàng phòng ngự đối phương).
Viscidi góp phần đưa những cái tên như Spinazzola xuất hiện
Nhân vật từ được nhắc đến ban đầu, Gagliardi, từng nói: “Hãy tưởng tượng những nguyên tắc này giống như chiếc bình trống rỗng cần được lấp đầy, bất kể bạn chơi thông qua sơ đồ nào. Mọi đội bóng đều cần có những cầu thủ biết triển khai bóng từ phía dưới, biết mở rộng chiều ngang sân tối đa, biết đánh chiếm không gian giữa hai tuyến và biết khai thác khoảng trống phía sau hàng thủ đối phương. Chỉ cần đổ đầy 4 chiếc bình này, bạn sẽ có một tập thể áp đảo cuộc chơi và mặt trận tấn công. Vai trò của mỗi cầu thủ trong đội bóng không còn là một vị trí trên sa bàn, mà là chức năng của cầu thủ ấy.”
“Đấy là điều mà tôi đã viết ra cách đây vài năm và đến giờ đã được chỉnh sửa, bồi đắp thêm. Điều này có nghĩa rằng trong bóng đá hiện đại, cụ thể là ở châu Âu, các cầu thủ không còn bị bó buộc vào một vị trí cố định trên sân. Một hậu vệ cánh mà chỉ biết chơi đúng với vai trò của một hậu vệ cánh là chưa đủ, anh ta còn phải biết rõ trọng trách của mình trong cách vận hành của cả tập thể. Chúng ta ngày càng chứng kiến nhiều hậu vệ cánh trở thành những cầu thủ kiến thiết thật sự, như Trent Alexander-Arnold ở Liverpool chẳng hạn. Chúng ta cũng thấy ngày càng nhiều tiền đạo cánh làm công việc của những số 10. Một cầu thủ không còn được xác định chỉ bởi vị trí thi đấu trên sân, mà phải là công việc của anh ta.”
Trước sự bất ổn của nền bóng đá Italia sau khi đội tuyển không thể vượt qua vòng loại World Cup 2018, mọi thứ đứng trước nguy cơ bị xé ra từng mảnh và ném vào sọt rác, bởi một lần nữa, Ủy ban Olympic Italia – cơ quan quản lý tối cao về thể thao của đất nước này – quyết định chính thức can thiệp.
Một Italia say mê ở EURO 2020
Hai ủy viên cấp cao được lựa chọn để tiến hành xem xét và đánh giá từ gốc đến ngọn công việc của FIGC. Một trong số hai ủy viên là cựu trung vệ Milan, Billy Costacurta. Kết luận dễ dàng được rút ra: Mọi thứ FIGC làm đều trật. Người hâm mộ và các quan chức chính trị Italia muốn những cá nhân cụ thể phải bị lôi ra. Nhưng Costacurta nhìn thấy những thứ mà Conte thấy. Ẩn dưới tất cả, Viscidi và đội ngũ của ông ở FIGC đã đưa Italia đi đúng hướng.
“Bộ máy lãnh đạo đã thay đổi 4 lần nhưng đội ngũ chúng tôi thì không. Chính tính liên tục này là chìa khóa cho sự phát triển,” Viscidi từng nói. “May mắn là từ năm 2016 đến 2020, chúng tôi đã 4 lần giành được các tấm huy chương bạc. Chúng tôi hai lần lọt vào chung kết châu U19 Euro và vào chung kết U17 Euro hai năm liên tiếp. Chúng tôi về thứ ba ở U20 World Cup, giải đấu mà Italia đã không thể vượt qua vòng loại trong 8 năm và rồi lại vào bán kết một lần nữa. Từ vị trí thứ 17, chúng tôi nhảy vọt lên xếp thứ 4 trên BXH.”
Từ chính công trình mà Viscidi cùng các cộng sự gìn giữ, xây đắp, Roberto Mancini hăng say tiếp nhận để hưởng thành quả. Tuyển Italia hiện tại của Mancini vận hành theo đúng nguyên tắc mà Viscidi đặt ra, khi mỗi cá nhân là một tư duy độc lập.
Hoàng Thông Le Foot – Theo The Athletic
Thethaoso247.com & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.