Sau khi trảm Julen Lopetegui chỉ 2 ngày trước khi World Cup 2018 khởi tranh, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha (RFEF), Luis Rubiales nói với truyền thông rằng ông muốn tìm kiếm một HLV có cá tính, khẳng định được quyền uy với các học trò. Sau này, Rubiales chọn Luis Enrique.
Đó là câu chuyện của cách đây 3 năm về trước, thời điểm Julen Lopetegui không thể khước từ được sự cám dỗ của chiếc ghế nóng tại Santiago Bernabeu, nhưng thông tin được tiết lộ ngay thời điểm tuyển Tây Ban Nha chuẩn bị tham gia World Cup và Rubiales cảm thấy bị phản bội.
Bóng đá Tây Ban Nha vốn dĩ chẳng yên bình. Không một nền bóng đá lớn nào vẫn tồn tại sự phân định vùng miền như Tây Ban Nha, với các xứ tự trị và cả những đội tuyển tự trị. Để trải qua 4 năm đại thành công với 1 World Cup và 2 Euro từ 2008 đến 2012, đấy không chỉ là sự trùng hợp của thời cuộc với một thế hệ vàng mà sẽ rất lâu về sau mới lại được tìm thấy, đó còn là cái uy và tài quản quân của những con người như Luis Aragones và Vicente Del Bosque.
Vicente Del Bosque dẫn dắt Tây Ban Nga lên ngôi World Cup 2010
Sau giai đoạn thoái trào, nhiệm vụ tìm lại vị thế của La Roja trên trường quốc tế giờ được đặt cả vào Luis Enrique. Không thể lấy quá khứ để đảm bảo cho tương lai, nhưng ít ra, đó vẫn là thước đo cho sự lựa chọn. Với Enrique, Rubiales có một HLV có cá tính cực mạnh và biết chiến thắng.
Sau khi dẫn dắt La Roja chừng một năm, Enrique bất ngờ từ chức vì cô con gái Xana mắc bệnh ung thư xương và sau này qua đời. Người trám chỗ (tạm thời) là trợ lý của ông, Robert Moreno. Gần nửa năm sau, HLV sinh ra ở Asturias tuyên bố trở lại và phía RFEF phê chuẩn. Thời điểm ấy, Moreno thất vọng vì ông thật sự muốn chiếc ghế ở tuyển Tây Ban Nha.
Trong câu chuyện này, dư luận từng không tiếc lời chỉ trích Enrique. Họ nói ông tham lam, gạt qua cả tình bạn thân thiết với Moreno để lấy lại vị thế người thuyền trưởng La Roja. Những người dè dặt và thận trọng thì quan sát sự việc với một niềm tin: Hẳn trong câu chuyện này có những góc khuất mà người ngoài không thể biết.
Enrique không quan tâm. Ngày ông trở lại ghế nóng tuyển Tây Ban Nha, có một phát biểu của Enrique tôi nhớ mãi: “Tôi không phải kẻ tốt lành gì, nhưng cũng không phải nhân vật phản diện trong bộ phim này.”
Lucho vượt qua những ứng viên như Quique Sanchez Flores và Michel để ngồi vào ghế thay Hierro
Nói về điều tiếng dư luận, cả sự nghiệp Enrique có dư những câu chuyện để viết thành một kịch bản gay cấn. Chắc chắn ai cũng biết Enrique từng khoác áo Real Madrid và sau này chuyển sang chơi cho đại kình địch Barcelona. Thậm chí mang băng thủ quân ở Camp Nou.
Trong màu áo Blaugrana, Enrique từng ghi bàn vài lần vào lưới đội bóng cũ ở trận cầu El Clasico. Bàn thắng đầu tiên ông ghi vào lưới Real Madrid là tại Santiago Bernabeu vào năm 1997. Hôm đó, Enrique nắm lấy tấm áo Barcelona và kéo căng ra hướng về phía các khán đài và ăn mừng đầy hoang dại. Người Madrid chẳng bao giờ quên.
Sau này, Enrique còn dẫn dắt cả Barcelona. Trận El Clasico đầu tiên trên cương vị HLV, đội bóng của ông đánh bại Los Blancos của Rafa Benitez 4-0 vào năm 2015, cũng tại Santiago Bernabeu. “Chiến thắng trước đối thủ không đội trời chung mang hương vị của một vinh quang thần thánh,” Enrique sau trận phát biểu như thế.
Những quá khứ ấy lại được dịp khai quật khi Enrique không triệu tập bất cứ cầu thủ Real Madrid nào cho kỳ Euro 2020. Những thống kê chỉ ra, lần đầu tiên ở một sân chơi lớn, lịch sử tuyển Tây Ban Nha mới chứng kiến điều lạ lùng ấy.
Nếu quyết định loại Sergio Ramos phần nào dễ hiểu hơn, bởi cả mùa giải đã qua, Ramos thật sự có vấn đề về sức khỏe bởi những chấn thương dai dẳng; thì Nacho – người không được chọn, dù có phong độ ấn tượng từ đầu năm 2021 và có thể chơi trung vệ lệch phải lẫn hậu vệ cánh phải – khiến không ít người đặt câu hỏi: Phải chăng Enrique vẫn thù Real Madrid ngay cả khi đã làm HLV trưởng tuyển quốc gia?
Enrique có lẽ không dại dột đến vậy. Nhất là khi ông chỉ lựa chọn có 24 cái tên, thay vì 26 như sự cho phép của UEFA. Enrique thừa hiểu mình vẫn còn “slot” gọi cầu thủ và chỉ cần một gương mặt từ Real Madrid là đủ khiến dư luận khỏi hoài nghi.
Luis Enrique đang đứng giữa lằn ranh giữa thiên tài và thằng ngốc trong lịch sử bóng đá Tây Ban Nha
Nhưng Enrique không thích phân trần và cũng không hồi lại quyết định. Tất cả sẽ tiếp tục đặt vấn đề, nhưng có trời mới biết ông nghĩ gì. Quyết định của Enrique, sẽ là thiên tài nếu Tây Ban Nha làm nên thành công, nhưng sẽ là ngu xuẩn, nếu họ dừng bước sớm.
Giai đoạn Enrique dẫn dắt Barcelona từ 2014 đến 2017, đội bóng xứ Catalunya làm nên cú ăn ba thứ hai trong lịch sử vào năm 2015. Ông chiến thắng bằng một thứ bóng đá mà Xavi gọi là “dị giáo” (unorthodox).
Sau khi chia tay Barcelona, Xavi từng nhận xét: “Tôi là một người cuồng tín với thứ bóng đá chính thống, như những năm từ 2008 – 2012 dưới thời Pep Guardiola, nhưng tôi hiểu Barcelona có những cầu thủ kiệt xuất và có thể chơi theo một cách khác để giành các danh hiệu. Quả thật, đội bóng đã chiến thắng bằng thứ bóng đá khác dưới thời Enrique. Những cầu thủ như tôi, Iniesta hay Busquets từng có lúc cảm thấy mình trông thật lạc lối.”
Barcelona cũng những năm từ 2014 đến 2017 sở hữu cây đinh ba khiến cả châu Âu phải khiếp sợ, là tam tấu Messi – Suarez – Neymar. Enrique hiểu rõ trong tay mình có thứ vũ khí lợi hại ra sao. Vậy nên, ông chỉ cần khai thác tối đa sức công phá của những cá nhân ấy là được. Không cần phức tạp hóa khâu luân chuyển bóng thông qua hàng tiền vệ, chỉ cần đưa quả bóng đến bộ ba nói trên, phần việc còn lại cứ để những siêu sao Nam Mỹ này giải quyết.
Tây Ban Nha trước thềm Euro 2020 vướng phải nhiều vấn đề. Gạt qua những câu hỏi từ truyền thông về danh sách triệu tập, những ca dương tính vì Covid-19 trong đội hình khiến La Roja chỉ có đúng một trận giao hữu (trước Bồ Đào Nha). Trận giao hữu còn lại gặp Litva, đội U21 Tây Ban Nha được sử dụng.
Luis Enrique là điểm kỳ dị khó đoán của Tây Ban Nha năm nay
Nhìn từ trận đấu chuẩn bị duy nhất ấy, Enrique một lần nữa đặt tất cả vào thế việt vị với những dự đoán của họ. Trong đội hình xuất phát ở trận đấu gặp Bồ Đào Nha, Enrique lựa chọn cặp trung vệ đều thuận chân trái, là Pau Torres cùng Aymeric Laporte. So với hai trung vệ thuận chân phải, cặp trung vệ kèo trái sẽ gặp phải nhiều vấn đề hơn trong việc luân chuyển bóng và định vị trên sân. Nhưng Enrique không thấy vậy.
Enrique thậm chí còn bố trí Marcos Llorente của Atletico Madrid đá hậu vệ cánh phải trong hệ thống 4-3-3 mặc định. Khối đội hình có lúc trở thành 3-4-3 với Llorente đẩy lên cao, còn Jose Gaya ở cánh đối diện trở thành một trong 3 trung vệ. Enrique vẫn muốn khối tam giác “tiki-taka” ở giữa sân với bộ ba tiền vệ Busquets – Fuiz – Thiago, nhưng đồng thời, ông muốn tốc độ và kéo dãn chiều ngang sân với cặp Llorente cùng Gaya.
Marcos Llorente vốn là một tiền vệ phòng ngự ở Ateltico Madrid. Tại Atletico, anh trở thành một số 8 để lại dấu giày trong nhiều bàn thắng và các pha kiến tạo. Khi cần, Llorente có thể trám chỗ của Trippier ở vai trò wing-back. Nhìn vào bản đồ nhiệt qua từng trận đấu của Llorente ở mùa giải vừa rồi, đa năng là từ có thể dùng để miêu tả về cầu thủ này. Và Enrique đã tận dụng Llorente theo cách đó.
Có lẽ, không nhiều người dám đặt cửa đi sâu của Tây Ban Nha ở Euro 2020. Nhưng họ có lợi thế bảng đấu, khi xếp chung bảng với Ba Lan, Slovakia và Thụy Điển. Và họ có một Luis Enrique đủ điên, đủ dị để khiến các đối thủ phải lần mò. “Chúng tôi chắc chắn là một trong 6 hay 7 ứng cử viên vô địch ở giải đấu này,” Enrique tuyên bố như vậy.
Hoàng Thông Le Foot
Thethaoso247.com & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.