đồng hồ
Trang chủ     Bóng đá   /   Copa America 2021: Giải đấu của chết chóc và hổ thẹn

Copa America 2021: Giải đấu của chết chóc và hổ thẹn

Tượng Cristo Redentor, hay tượng Chúa Kitô Cứu Thế là hình ảnh biểu trưng của không chỉ thành phố Rio de Janeiro mà còn của cả quốc gia Brazil. Những ngày này, trên tờ The Economist, hình tượng ấy được thêm vào một mặt nạ nối kèm với bình thở ô-xy. Đó không phải là một sự đả kích tôn giáo, mà là một cách minh họa cho tình hình tồi tệ của đất nước đông dân thứ sáu thế giới.

“Các bệnh viện hết giường, những khu ổ chuột (favela) vang vọng tiếng súng và một kỷ lục 14,7% người lao động thất nghiệp. Thật không tưởng, nền kinh tế Brazil giờ đây còn có quy mô nhỏ hơn năm 2011 và sẽ phải mất nhiều quý tăng trưởng mạnh mẽ mới có thể hồi phục. Brazil là một trong những quốc gia chứng kiến số người chết vì Covid-19 nhiều nhất thế giới. Tổng thống Jair Bolsonaro của đất nước này thì từng nói đùa: Vắc-xin có thể biến người dân trở thành cá sấu.”

Cầu thủ Brazil đồng loạt tẩy chay Copa America

Cầu thủ Brazil đồng loạt tẩy chay Copa America Chỉ còn hơn một tuần nữa Copa America 2021 sẽ khởi tranh, nhưng đến lúc này giải đấu vẫn đứng trước nguy cơ đổ bể bởi chính đội chủ nhà Brazil dường như cũng muốn tẩy chay và được cho là có ý định từ chối thi đấu.

Colombia rút lui, Argentina “ôm trọn” gói đăng cai tổ chức Copa America 2021

Colombia rút lui, Argentina “ôm trọn” gói đăng cai tổ chức Copa America 2021 Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nước đồng chủ nhà Colombia đã quyết định rút lui và để Argentina ôm trọn quyền đăng cai tổ chức giải đấu lớn nhất châu Mỹ.

Bài viết tương ứng với bức ảnh tượng Cristo Redentor được đề cập ở trên đã mở đầu theo cách đó. Đương nhiên, The Economist đang kể câu chuyện về cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở Brazil trong suốt một thập kỷ đã qua. Nhưng điều đó thì có liên quan gì đến chủ đề chính của bài viết này? Có chứ, quá liên quan là đằng khác.

QUẢNG CÁO

brazil copa america

Khi tượng Chúa Kitô Cứu Thế cũng cần bình Ô-xy để thở. (Ảnh: The Economist)

Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội đang lao đao như thế, ông tổng thống Jair Bolsonaro vẫn ủng hộ phương án để Brazil trở thành nước đăng cai kỳ Copa America mùa hè này, mặc cho nguy cơ về một làn sóng bùng phát dịch thứ ba. Đằng sau và phía trước câu chuyện ấy là một loạt những vấn đề của nền bóng đá Nam Mỹ nói chung lẫn Brazil nói riêng.

Năm lẻ năm chẵn

Trong lịch sử bóng đá thế giới, không giải đấu nào có tuổi đời thọ bằng Copa America. Tiền thân của giải đấu là Campeonato Sudamericano de Fútbol trong tiếng Tây Ban Nha, tức giải vô địch bóng đá Nam Mỹ. Đơn giản, đó là sân chơi cấp đội tuyển lâu đời nhất thế giới, đến nay đã tròn 105 tuổi.

Trong suốt lịch sử của mình, ngay cả khi bước vào kỷ nguyên mang tên Copa America, giải đấu diễn ra có khi mỗi năm một lần, lúc thì hai năm, có khi lại ba năm, thậm chí là sáu năm và mục tiêu sau này là quy về bốn năm. Châu Âu có Euro, châu Mỹ có Copa America, vốn là một đặc sản ngon miệng trước thập kỷ mới này.

Năm 2016, Copa America Centenario được tổ chức nhằm đón chào cột mốc bách niên của giải đấu, cho dù mới một năm trước đó vừa khởi tranh ở Chile. Không sao, một giải đấu kỷ niệm nên có thể trở thành ngoại lệ (Ồ! Cũng không hẳn là ngoại lệ vì nó vốn dĩ đã không nhất quán), ngay cả khi nó được tổ chức ở Hoa Kỳ, một nước ở Bắc Mỹ.

copa america 2016

Copa America 2016 được tổ chức ở Hoa Kỳ đã tạo nên hiệu ứng truyền thông đáng kinh ngạc

Nếu không có giải đấu kỷ niệm, lộ trình 4 năm một lần của Copa America xem như được định hình từ năm 2007. Tạm chấp nhận, kỳ Copa America lần thứ 46 được tổ chức ở Brazil vào năm 2019. Nghĩa là nếu đúng lộ trình, kỳ Copa America tiếp theo phải là năm 2023. Nhưng không, nếu không có dịch bệnh thì mùa hè năm 2020, Copa America lần thứ 47 đã được tổ chức, thay vì dời lại sang mùa hè 2021 này.

Vì sao lại thế? Đang đúng lộ trình cơ mà?

Vì Copa America 2020 (hay giờ trở thành Copa America 2021) vốn là giải đấu chuyển giao cho một sự thay đổi. Ồ, lại thay đổi! Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ (CONMEBOL) được FIFA cho phép dời giải đấu vào các năm chẵn, thay vì năm lẻ và Copa America từ đó sẽ cứ 4 năm một lần được diễn ra, song song với ngày hội bóng đá châu Âu là Euro. Thế nên, Copa America 2020 sẽ là mốc đánh dấu cho cuộc chuyển giao. Và kỳ Copa America tiếp theo là năm 2024 tại Ecuador. Đến đây, chúng ta coi như không còn lăn tăn về các mốc thời gian.

Từ 1 thành 2 rồi trở về 1

Từ xưa cho tới nay, lịch sử Copa America chưa từng có tiền lệ được tổ chức ở hai nơi, tức là không có khái niệm đồng chủ nhà. Nhưng rồi, Argentina và Colombia trở thành những nước đồng đăng cai kỳ Copa America 2020 (hay Copa America 2021). Nếu bạn chưa hình dung được trật tự địa lý, thì Colombia và Argentina là hai quốc gia nằm ở hai đầu lục địa Nam Mỹ. Đó chính là thêm một nghịch lý trong khâu tổ chức. Mất 6 giờ đồng hồ để bay từ Buenos Aires đến Bogota, thủ đô của hai quốc gia. Nhưng thôi, không sao, vì dù gì đây cũng là một kỳ Copa America bất thường với ý nghĩa chuyển giao.

Nói thế thôi, thật ra cũng vì động cơ chính trị cả!

Argentina muốn gây dựng hình ảnh trong chiến dịch cùng Uruguay, Paraguay và Chile tổ chức kỳ World Cup 2030, vốn kỷ niệm 100 năm lịch sử giải đấu lớn nhất hành tinh (lần đầu diễn ra ở Uruguay năm 1930). Bản thân Uruguay là một đất nước với diện tích nhỏ, không đủ thành phố với các SVĐ để tự một mình đăng cai World Cup. Thế nên, Argentina trở thành “đối tác” vì hai nước là láng giềng. Từ Buenos Aires sang Montevideo, bạn chỉ cần băng qua dòng Rio de la Plata vốn là một phần biên giới tự nhiên ngăn cách hai quốc gia.

Song, xã hội Argentina vốn bất ổn, bóng đá cũng là một phần trong xã hội ấy. Năm 2018, Argentina từng bị “mang tiếng” khi trận chung kết Copa Libertadores, cũng là trận Siêu kinh điển giữa River Plate và Boca Juniors phải dời địa điểm sang tận thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, vì tình trạng bạo lực giữa các CĐV. Do đó, Argentina muốn “gột rửa” ký ức ấy bằng việc một mình đăng cai Copa America lần này.

Nhưng Colombia cũng muốn điều tương tự. Colombia vốn đã chủ động không tranh quyền đăng cai World Cup 2030, thì nay họ muốn có Copa America. Và còn bởi, Colombia mới chỉ một lần trong lịch sử làm chủ nhà của giải đấu này, là vào năm 2001.

Vậy là CONMEBOL đứng ra phân xử: Họ chọn cả 2. Từ đây, nảy sinh vấn đề về logistics vì hai quốc gia nằm cách xa nhau. Giải pháp của CONMEBOL là chia thành hai bảng đấu, mỗi bảng diễn ra ở một quốc gia. Nên nhớ, xưa nay Copa America thường có 12 đội tham dự (10 đội tuyển Nam Mỹ và 2 khách mời) chia thành 3 bảng – mỗi bảng 4 đội. Hoàn cảnh đại dịch buộc ban tổ chức chuyển thành 2 bảng – mỗi bảng 6 đội và 4 đội thứ hạng tốt nhất mỗi bảng giành quyền đi tiếp. Song, Úc và Qatar – 2 khách mời – rút lui vì họ còn bận đá vòng loại World Cup. Vậy là cuối cùng, chỉ còn 2 bảng – mỗi bảng 5 đội và chỉ có đội đứng chót mỗi bảng là bị loại sau giai đoạn vòng bảng.

argentina covid

Argentina đang là một trong những quốc gia thiệt nặng nề nhất bởi Covid

Hai tuần trước, Colombia bị tước quyền đăng cai vì tình hình xã hội – chính trị bất ổn với làn sóng phản đối chính phủ từ người dân. Thế là chỉ còn một mình Argentina. Đến hôm Chủ nhật vừa qua, Argentina cũng phải rút lui vì đất nước này bị tàn phá nặng nề bởi đại dịch.

Trước thời điểm thông báo được đưa ra 2 ngày, thống kê cho thấy chỉ hơn 5% dân số Argentina được tiêm vắc-xin, mỗi ngày Argentina chứng kiến 72 ca dương tính mới xét trên 100.000 dân (tệ hơn cả Ấn Độ). Một tuần trước đó nữa, cả thế giới truyền nhau câu chuyện River Plate chỉ còn đúng 11 cầu thủ để ra sân ở Copa Libertadores vì có đến 25 ca dương tính trong đội bóng (cùng nhiều trường hợp chấn thương), nhân viên lái xe chở đội bóng cũng qua đời vì Covid. Chỉ có điên mới tổ chức Copa America ở Argentina! Nhưng CONMEBOL “đủ bình tĩnh” để rất lâu sau mới đưa ra quyết định đó.

Thời điểm chờ đợi quyết định từ CONMEBOL, xã hội Argentina dậy sóng. Những nhà hoạt động xã hội và nhiều ký giả nước này tin rằng cách tốt nhất là hủy kỳ Copa America 2021. Nhà báo nổi tiếng Jorge Lanata người Argentina thậm chí đã viết: “Tôi không quan tâm đến việc 11 tay triệu phú kia đuổi theo quả bóng và sút nó vào lưới. Tôi không quan tâm đến những bài tường thuật sau trận. Tôi không quan tâm đến Lionel Messi. Cậu ta đâu thể chữa lành vết thương của chúng tôi. Chúng tôi cứ liên tục mất đi người thân và bạn bè; còn họ thì vẫn kiếm được tiền. Tôi chỉ muốn đất nước mình được an toàn. Tôi muốn em gái mình có được một tuổi thơ mà em ấy xứng đáng. Tôi muốn cha mẹ tôi, bạn bè tôi và tất cả chúng tôi được tiêm vắc-xin. Lionel Messi, CONMEBOL, Fernandez (tổng thống Argentina): Chẳng lẽ đây là di sản mà các người muốn để lại? No dejen que la pelota se manche!”

“No dejen que la pelota se manche” là một câu nói nổi tiếng của Diego Maradona, có nghĩa “Đừng để quả bóng bị vấy bẩn”.

Cuối cùng, Argentina “thoát nạn” Copa America. Nhưng ngay cả khi hai nước đồng chủ nhà ban đầu đều buông súng, CONMEBOL vẫn không chịu đầu hàng. Họ ra thông báo sẵn sàng xem xét mọi đề xuất tổ chức giải đấu từ bất kỳ quốc gia nào. Quả bóng sau đó bất ngờ được chuyển sang Brazil.

Vì sao và vì sao?

Vì tiền!

Copa America vốn luôn là giải đấu mang đến nguồn thu lớn cho CONMEBOL. Trung bình mỗi kỳ giải đấu mang lại 120 triệu USD. Trong hoàn cảnh hiện thời, với các sân khấu không có khán giả, với các khách mời từ chối tham dự, nguồn thu ắt sẽ giảm. Nhưng CONMEBOL chấp nhận “ăn” ít còn hơn không ăn gì cả. Những hợp đồng đã được ký kết và CONMEBOL phải để giải đấu được diễn ra.

Và vì sao là Brazil?

Brazil được chọn như một lẽ tất yếu vì không còn giải pháp nào khác. Thực tế, ngay từ thời điểm cách đây 3 tuần, trong bối cảnh Colombia và Argentina đứng trước nguy cơ không thể tổ chức giải đấu, Hoa Kỳ đã trở thành một giải pháp được nhắc tới. Đến trước khi CONMEBOL chọn Brazil, cái tên Hoa Kỳ một lần nữa được nhắc tới, nhưng cuối cùng vẫn bị gạt. Cũng hợp lý, chỉ còn có hai tuần là giải đấu khởi tranh, thật khó để giải quyết những vấn đề liên quan đến công tác di chuyển, cấp visa,… đó là chưa kể, Hoa Kỳ chưa thật sự đưa ra một lời đề nghị chính thức nào và mối quan hệ giữa CONMEBOL và CONCACAF (Liên đoàn Bóng đá Bắc-Trung-Caribbean Mỹ) hiện đang không êm đẹp.

CONMEBOL nhất quyết muốn Copa America 2021 được diễn ra tại lục địa của họ. Và so với các nước còn lại, không một quốc gia nào đủ rộng lớn với cơ sở hạ tầng và số lượng các sân đấu nhiều như Brazil.

Nhưng CONMEBOL không đơn phương chọn Brazil, mà Brazil tự đề xuất nhận quyền đăng cai. Trên trang Twitter của mình, CONMEBOL cách đây vài ngày gửi lời cảm ơn đến tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro vì sự hào phóng của ông, ngay cả khi tồn tại một loạt phản đối từ trong chính phủ và cả yêu cầu giải trình từ Tòa án Liên bang Tối cao.

Tờ Globo của Brazil hôm 01 tháng 6 đưa tin, đại diện các Đảng Lao động và Đảng Xã hội ở Brazil đệ đơn lên Tòa án Liên bang Tối cao của Brazil để chống lại việc Copa America được tổ chức ở quốc gia này. Cựu Bộ trưởng Y tế của đất nước, Alexandre Padilha cảnh báo nguy cơ phát tán dịch bệnh sẽ là rất lớn nếu giải đấu được diễn ra và đấy sẽ là một thảm họa. Một thượng nghị sĩ Brazil gọi Copa America sẽ là “giải đấu của cái chết”.

Trong khi, phó Tổng thống Brazil, ông Hamilton Mourao thì thản nhiên nói rằng, lợi thế của Brazil so với Argentina là Argentina đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch nặng nề hơn Brazil, và còn bởi mạng lưới các SVĐ ở một lãnh thổ rộng lớn như Brazil mang đến “ít nguy cơ” hơn.

Đến hiện tại, một loạt thành phố và các bang ở Brazil đã tuyên bố từ chối tổ chức các trận đấu của Copa America 2021. Theo thông báo từ CONMEBOL, giải đấu sắp tới sẽ chỉ diễn ra ở 4 địa điểm: Rio de Janeiro, Brasília, Goiania và Cuiaba.

“Cova America”

Như đã nói, tình hình tại Brazil hiện tại không khả quan hơn Argentina là bao. Thống kê ngày 01 tháng 6 cho thấy, Brazil đã chứng kiến hơn 462.000 người thiệt mạng vì đại dịch, hơn 16,5 triệu người đang mắc bệnh và mỗi ngày có trung bình khoảng 61.000 ca nhiễm mới.

Juca Kfouri, một trong những ký giả thể thao hàng đầu của Brazil, gọi tên Copa America là “Cova America” hay “Mồ chôn America”. Trên tờ Universo Online, trang tin tức digital lớn nhất Brazil, Kfouri viết: “Không có lời bào chữa nào cho việc mang 9 đội tuyển Nam Mỹ với những biến thể virus khác nhau vào một trong những tâm dịch của thế giới. Điều đó chỉ làm lãng phí tài nguyên, nguồn lực và sự chú ý mà vốn dĩ nên được dành cho hàng ngàn bệnh nhân ngoài kia.”

Bình luận viên nổi tiếng Luis Roberto của Brazil cũng lên tiếng trên SporTV: “Đúng là một sự khiêu khích! Một cú tát vào mặt tất cả người dân Brazil.”

Song, đó chưa phải là tất cả. Những thông tin mới nhất khẳng định đội tuyển Brazil đã quyết định sẽ không tham dự Copa America, họ sẽ từ chối thi đấu. Những tuyển thủ Brazil thậm chí đã bắt đầu liên lạc với các đồng nghiệp ở các đội tuyển khác, nhằm kêu gọi tạo thành một phong trào tẩy chay giải đấu. Tuyển Brazil tin rằng việc Copa America diễn ra vào thời điểm này, trên chính quê nhà của họ, là vô lý.

Trước làn sóng phản đối hiện tại trong nội bộ tuyển Brazil, ông chủ tịch Rogerio Caboclo của Liên đoàn Bóng đá Brazil đang dọa sẽ sa thải điều phối viên Juninho Paulista, vì đã không thể kiểm soát được tình hình. Một động thái khác là việc thủ quân Casemiro đã từ chối xuất hiện trong cuộc họp báo bên cạnh HLV trưởng Tite trước thềm trận đấu vòng loại World Cup gặp Ecuador, nhằm thể hiện sự phản đối và bất bình.

cova america

Một poster quảng bá Copa America được 'chế biến lại' bởi cộng đồng mạng

Tính đến nay, hơn 1 triệu người đã thiệt mạng vì đại dịch ở khắp khu vực Mỹ Latin và Caribbean, tức chiếm khoảng 1/3 tổng số người chết toàn cầu, trong khi đây chỉ là nơi sinh sống của khoảng 9% dân số toàn thế giới. Ấy thế, vẫn đang có những người ở CONMEBOL nghĩ rằng bóng đá sẽ mang lại niềm vui.

Và bạn có biết, ngay cả khi Copa America 2021 vẫn diễn ra tại Brazil, thì người dân đất nước này rất có thể cũng sẽ xem Euro 2020 nhiều hơn giải đấu có sự tham gia của đội tuyển quê nhà? Đơn vị truyền hình Globo vốn tiếp cận đến 99,47% dân số Brazil, không có bản quyền phát sóng Copa America. Thay vào đó, Globo sở hữu bản quyền truyền hình độc quyền của Euro 2020. Đơn vị nắm giữ bản quyền Copa America ở Brazil là SBT, mà theo đo lường từ Kantar Ibope Media (đơn vị chuyên đo lường ratings) vốn xưa nay chưa bao giờ có thể cạnh tranh về lượng view so với Globo ngay cả khi sở hữu những trận cầu đinh.

Hoàng Thông Le Foot

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích