đồng hồ
Trang chủ     Bóng đá   /   Roman Abramovich: Thành công đến từ sự tàn nhẫn

Roman Abramovich: Thành công đến từ sự tàn nhẫn

Triết lý: Không. Hiệu quả: Số 1. Đấy đơn giản là công thức thành công của Roman Abramovich tại Chelsea.

Trước trận chung kết Champions League tại Porto, Pep Guardiola nói với Rio Ferdinand trong một cuộc phỏng vấn trên BT Sport như sau: “Tôi không đến City vì CLB bảo tôi ‘Ông phải vô địch Champions League’. Nếu tôi đến Man Utd, Liverpool, Barcelona hay Real Madrid, các bạn sẽ luôn nghe được câu ‘Ông phải vô địch Champions League. Ở City, tôi không cảm thấy áp lực. Vậy áp lực duy nhất tôi cảm thấy ở đây là gì? Đó là mang đến đội bóng thứ lối chơi đã giúp tôi được nhận công việc ở đây. Tôi nhận công việc để mang đến một thứ bóng đá nhất định.”

Chelsea gia hạn hợp đồng với HLV Tuchel và trung vệ Thiago Silva

Chelsea gia hạn hợp đồng với HLV Tuchel và trung vệ Thiago Silva Sau chức vô địch Champions League 2020/2021, Chelsea đang tính đến phương án giữ chân HLV Thomas Tuchel, đồng thời trung vệ Thiago Silva cũng được cân nhắc ở lại Stamford Bridge thêm 1 năm nữa.

Chelsea lần thứ hai vô địch Champions League: Một trận chung kết - 5 câu lạc bộ

Chelsea lần thứ hai vô địch Champions League: Một trận chung kết - 5 câu lạc bộ Chelsea đã lần thứ hai vô địch Champions League sau 9 năm chờ đợi sau một trận chung kết căng thẳng, hấp dẫn và nhiều điểm khiến người hâm mộ bất ngờ.

Phát biểu ấy cho chúng ta một cảm nhận rằng, Pep dường như không đứng trước áp lực của việc bị sa thải. Đương nhiên, City của Pep vẫn được đặt trong một vòng an toàn mà ở đó họ vẫn đang là những vị vua của nước Anh và giành được các danh hiệu quốc nội khác. Song, HLV người Tây Ban Nha có vẻ được trao sứ mệnh làm một nhà truyền giáo, một nhà tư tưởng bóng đá hơn. Và những ông chủ Ả Rập đủ kiên nhẫn và thời gian để chờ đợi đến ngày quả ngọt nhất được hái, chính là Champions League.

QUẢNG CÁO

Pep Guardiola

Giờ hãy cùng xem Thomas Tuchel nói gì về công việc của ông ở Chelsea. Ngày HLV người Đức ra mắt Chelsea với bản hợp đồng 18 tháng, ông nhận được câu hỏi liệu rằng thời hạn ấy có khiến ông cảm thấy không thoải mái. “Thành thật mà nói, lúc đó, tôi cũng bận tâm, kiểu như ‘Ồ, tại sao lại 18 tháng?’ Nhưng sau một phút, tôi liền nghĩ: ‘Có gì khác đâu? Nếu họ trao cho tôi 4 năm rưỡi hợp đồng nhưng rồi cũng sa thải tôi y như thường thì có khác gì đâu? Nếu CLB không hài lòng với tôi, đằng nào tôi cũng bị sa thải’.”

“Tôi không muốn giống một nhà tư tưởng quá nhiều, nhưng vai trò chính xác của những HLV ngày nay là gì?” Tuchel nói tiếp. “Rõ ràng là ở Anh khác với ở Đức, Pháp, chúng tôi có toàn quyền phụ trách đội bóng, cả vấn đề chuyển nhượng, muốn làm gì làm thì làm không? Hay chúng tôi chỉ phải chịu trách nhiệm một khi đội bóng có thành tích kém cỏi? Vậy nên tôi quyết định không lo nghĩ quá nhiều về chuyện đó. Tôi quyết định mình cần phải đủ dũng cảm để bước lên chuyến hành trình này, vì tôi thật sự muốn thế và tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội này.”

Tuchel chốt lại đơn giản: “Giám đốc Granovskaia nói với tôi rằng nếu đã ký hợp đồng với Chelsea, thì bạn phải giành các danh hiệu. Chuyện đó không có gì là bí mật nữa cả.”

Thomas Tuchel

Ở một góc độ nào đó, văn hóa công ty ở Chelsea khác hẳn với Man City. Ở Etihad, Pep có thời gian để xây triết lý và gặt lấy thành công từ triết lý ấy. Ở Stamford Bridge, triết lý duy nhất là giành danh hiệu ngay cho đội bóng. Và đấy chính là thứ công thức khắc họa nên Roman Abramovich.

Bóng đá đơn giản lắm: Thắng thì khen, thua thì chê. Chuyện sẽ khác rất nhiều nếu đêm Dragao vừa qua, City và Pep là những người khóc trong vui sướng. Khi ấy, chúng ta sẽ ca ngợi về sự kiên nhẫn mà giới chủ CLB dành cho Pep. Còn thực tại, chúng ta nói về sự tàn nhẫn mà Roman Abramovich đặt ra với các HLV – môt sự tàn nhẫn hiệu quả và mang lại thành công.

Mỗi ông chủ, mỗi CLB có một cách làm riêng, khó có thể đặt cùng vào một hệ quy chiếu để so sánh thiệt hơn. Nhưng trong câu chuyện của Abramovich và Chelsea, giờ chẳng ai có thể phủ nhận công thức của nhà tài phiệt người Nga cả.

Dưới triều đại của ông, Chelsea giành cả 2 Champions League, tạo thành 4 chức vô địch châu Âu nói chung và đến nay là 17 danh hiệu lớn tổng cộng. Cũng ở Porto đêm hôm đó, Abramovich gặp Thomas Tuchel lần đầu. HLV trong mắt Abramovich không khác gì những chiếc du thuyền, ông muốn có chiếc mới thì có. Và thực tế, Tuchel đã là HLV thứ 15 từng dẫn dắt Chelsea kể từ khi Abramovich mua CLB vào năm 2003. Một tỷ phú bận rộn không thể có đủ thời gian để gặp mặt và trao đổi với tất cả ngần ấy HLV.

Gặp mặt ông chủ người Nga chưa bao giờ dễ, trừ những dịp như vô địch Champions League. Ký giả Jonathan Northcroft từng kể: Một người môi giới HLV miêu tả lại lần đầu tiên gặp Roman Abramovich không khác gì một phim trinh thám: Bạn gặp lực lượng an ninh, bước lên xe đi theo một chiếc xe khác đến một bãi đỗ xe bên dưới lòng đất, sau đó đi vào một chiếc thang máy dẫn tới phòng riêng của Abramovich.

Tuchel & Roman Abrahamovic

Roman Abramovich không cần và cũng không có nhu cầu tạo ra một mối quan hệ thân thiết với người ông thuê, như cách Khaldoon Al Mubarak làm với Pep Guardiola. Cây viết Pol Ballus, người từng thực hiện cuốn sách “Pep’s City: The Making of A Super Team” kể rằng, chính cuộc gặp giữa vị chủ tịch của Man City với Pep ở Maldives vào mùa thu năm 2020 đã đặt nền móng cho quyết định gia hạn hợp đồng của HLV người Tây Ban Nha. Và bất kể Pep khó chịu với điều gì ở CLB, chẳng hạn bề mặt nhấp nhô ở sân Etihad, ông chỉ cần gọi ngay cho Khaldoon là mọi chuyện sẽ được giải quyết trong một nốt nhạc.

Thomas Tuchel làm gì có được cơ hội ấy!

Ấy thế nhưng đã từng có thời điểm Abramovich khát khao có Pep. Chính xác thì đến tận 6 lần tỷ phú người Nga mời gọi Pep, nhưng cả 6 lần ấy đều bị từ chối. Lý do là bởi Pep cũng hiểu quá rõ văn hóa làm việc ở Chelsea và triết lý của Abramovich. Họ đơn giản là không hợp nhau.

Thành công ở Porto rồi sẽ tiếp tục trở thành nền tảng vững chắc để Chelsea của Abramovich kiên định với công thức của họ. Làm một thống kê đơn giản, chúng ta sẽ thấy ngoại trừ Mourinho từng giành được các danh hiệu với The Blues sau hai nhiệm kỳ dẫn dắt, một nửa số danh hiệu của CLB dưới kỷ nguyên Abramovich đều đến từ những HLV gắn bó với đội bóng trong thời gian 6 tháng trở xuống. Duy chỉ Avram Grant là cái tên duy nhất hạ cánh Stamford Bridge vào giữa mùa giải mà không giành được chiếc cúp nào. Và trong 5 HLV từng đưa Chelsea vào các trận chung kết ở đấu trường châu Âu thời Abramovich, chỉ Maurizio Sarri là giữ ghế nóng từ đầu mùa giải.

Đương nhiên, cái giá cho những lần trảm tướng tức thời ấy không hề rẻ: 95 triệu bảng Anh tiền đền bù hợp đồng. Nhưng đừng chỉ giáo những nhà tài phiệt như Abramovich phải làm gì. Cũng cần nhớ rằng, Chelsea vốn đã có truyền thống thành công sau khi trảm tướng: Danh hiệu ở đấu trường châu Âu thứ hai trong lịch sử CLB, tức Cúp C2 (Cup Winners Cup) 1998 có được là sau khi CLB sa thải Ruud Gullit và bổ nhiệm Gianluca Vialli vào tháng 02 năm đó. Thời ấy, ông chủ của Chelsea còn là Ken Bates.

Ruud Gullit & Gianluca Vialli

Tại sao công thức “no mercy” ấy lại thành công với Chelsea? Nghe thì chẳng hợp lý và có cơ sở tí nào, nhưng tôi lại nhớ về quãng thời gian trên giảng đường đại học, tôi và chúng bạn phần đông chỉ đợi đến ngày cận thi cử mới lao đầu vào ôn tập. Tôi không hề có ý khuyến khích các bạn trẻ cứ ham chơi thả ga và đợi “nước đến chân mới nhảy”, đấy không bao giờ là một cách học đúng đắn và hiệu quả. Nhưng trong câu chuyện với Abramovich, Chelsea và Tuchel, có một ý tưởng trong thuyết quản trị.

Sự căng thẳng trong khâu sáng tạo – khi một nhà quản lý biết rằng họ sẽ bị sa thải nếu làm việc kém hiệu quả - sẽ thúc đẩy họ làm việc với một sự tập trung nhất định. Bản thân các nhân viên cấp dưới – hay các cầu thủ - cũng sẽ tìm cách gây ấn tượng liên tục với sếp mới. Đấy là tiền đề của cái gọi là “hiệu ứng thay tướng”.

Hiệu ứng thay tướng mà chúng ta hay nhắc tới, xuất phát từ bản chất của một giả thuyết cho rằng: 6 tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của một HLV chính là thời điểm “trăng mật”. Những gì ưng ý nhất dưới thời người tiền nhiệm vẫn được bảo lưu trong 6 tháng đầu của người tiếp nối, trong khi bản thân các cầu thủ không còn bận tâm bởi những điều tiêu cực của thời HLV trước.

Có vẻ, Roman Abramovich đã tận dụng triệt để và thành công với phương pháp ấy. Nhưng đồng thời, đó cũng sẽ là một lời cảnh báo đối với chính người đang hạnh phúc lúc này là Thomas Tuchel. Cứ tận hưởng khi mọi thứ còn đang vui vẻ.

Hoàng Thông Le Foot

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích