Messi vẫn một mình ngồi bệt trên sân, nhưng không giống những lần trước, lần này trên tay anh là chiếc điện thoại đang trong chế độ gọi video call về nhà, lần này là nụ cười của niềm hạnh phúc.
7 năm trước tại Maracana, cái nhìn lảng tránh của Messi với chiếc cúp vàng World Cup – hoặc cũng có thể là ngược lại – khi anh tiến lên khán đài nhận danh hiệu Golden Ball, trở thành một trong những bức ảnh thể thao nổi tiếng nhất lịch sử.
Ký giả Rory Smith của tờ New York Times kể rằng, Messi đã nhanh chóng đưa danh hiệu cá nhân ấy cho Alfredo Pernas, một trong những nhân vật anh tin tưởng nhất trong thành phần đội tuyển Argentina, muốn làm gì thì làm. Messi không cần Chiếc giày vàng World Cup, thứ anh khát khao nhất thì được trao cho người Đức.
Messi đã trở thành Cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 2014 với ánh mắt vô hồn
7 năm sau, anh trở lại cầu trường ấy, lần này là trước người Brazil, để “tống khứ đi bóng ma quá khứ”, như những câu tư mà ký giả Cristian Grosso người Argentina viết trên tờ La Nacion trước thềm trận chung kết Copa America 2021.
“Tôi sẵn sàng đánh đổi mọi Chiếc giày vàng mình đã có chỉ để lấy 1 danh hiệu cùng Argentina,” là phát biểu của Messi với nhà báo và cũng là người bạn Veronica Brunati trước giải đấu. No nê và đủ đầy, mọi danh hiệu từ cá nhân đến tập thể, Messi đều đã có cùng Barcelona. Nhưng với màu áo Albiceleste, anh vẫn là chiếc bình trống rỗng với chỉ những bóng ma quá khứ trú ngụ bên trong.
Khi Messi nén cơn đau với cái mắt cá chân thấm máu để hoàn tất nốt trận bán kết trước Colombia, người Argentina liên tưởng đến cái mắt cá chân sưng phù với một mũi khâu của Maradona ở kỳ World Cup 1990. Một lần nữa, đấy cũng chính là cái bóng ma quá khứ mà Messi luôn bị ám ảnh, hoặc người Argentina buộc anh phải bị ám ảnh.
5 năm trước, Jorge Valdano từng nói: “Messi không thi đấu cho vinh quang, mà là để trả nợ. Argentina thắng mới là ái quốc.” Thời điểm đó là trước trận chung kết Copa America Centenario trên đất Mỹ. Còn 5 năm sau, cũng Valdano bảo: “Messi muốn được chạm tới thứ vinh quang đầy cảm xúc như Diego.”
Maradona đã tận hưởng cảm giác tuyệt vời nhất của sự vinh danh dân tộc
Cùng cái mác thiên tài, nhưng Maradona suốt hàng thập kỷ luôn đại diện cho cá tính của con người Argentina, bất chấp Messi vẫn ghiền món Milanesas, vẫn uống mate và ăn thịt nướng BBQ cùng các đồng đội – những thứ thường là đủ để trả lời cho câu hỏi “Thế nào mới là người Argentina?”.
Ký giả Marcela Mora y Araujo, dịch giả quyển tự truyện El Diego của Maradona sang tiếng Anh, có viết: “Maradona bước ra từ xung đột, còn Messi đi lên từ tình đoàn kết.” Mỗi thế hệ là một cuốn sách của riêng họ, nhưng giữa Messi với Maradona thì mãi luôn là một tấm gương để đối chiếu. Nếu đã là thiên tài, Messi cũng phải như Maradona, phải gánh cả dân tộc trên lưng, và khi ngã quỵ, đó là vì anh quá yếu, chứ không phải vì trọng trách quá nặng.
Với một con người đã sống ở Barcelona từ năm 13 tuổi – dù vẫn từ chối nói tiếng Catalan – thật khó để Messi trở thành một thủ lĩnh kích động tinh thần bằng tài hùng biện như mong muốn của người Argentina. Nhưng với lứa thế hệ cầu thủ Albiceleste của hiện tại, chỉ sự hiện diện của Messi trên sân là đủ để họ “vào sinh ra tử”, như những gì Emi Martinez hay Rodrigo de Paul có nói.
Cho đến khi cũng trước Colombia ở bán kết Copa America 2021, một Messi ôn tồn bỗng biến mất. “Múa nữa đi, giỏi thì múa nữa đi!” người ta đọc được khẩu hình của Messi khi anh hướng sự quyết liệt của mình về phía Yerry Mina, sau khi người đồng đội cũ ở Barcelona đá hỏng quả luân lưu của Colombia.
Và cuối cùng, một cái kết đã luôn giữ nguyên suốt gần 3 thập kỷ với người Argentina cũng thay đổi.
Lionel Messi đã có sự ngọt ngào mà anh chờ đợi gần cả sự nghiệp
Người Argentina đã đi qua nhiều con đường, nhưng suốt 28 năm qua, đến trước thời khắc Maracana 2021, kể từ danh hiệu Copa America 1993 của thầy trò Alfio Basile, họ chỉ biết và nhìn thấy một cái kết. Trước cổng thiên đường, họ cứ đứng yên đó, gục ngã và khóc giàn giụa, nhìn người khác đón lấy ánh hào quang.
Đó là một cuốn album những bản nhạc vô cùng buồn mà Albiceleste cứ phải nghe đi nghe lại. Từ Ryad 1995, Lima 2004, Frankfurt 2005, đến Maracaibo 2007, Rio de Janeiro 2014, rồi Santiago de Chile 2015 và New Jersey 2016. Họ từng 3 năm liền vào chơi các trận chung kết của những giải đấu quan trọng nhất thế giới, cả thảy ba lần Albiceleste đều gục ngã sau 90 phút bóng lăn.
Kết thúc với kẻ chiến thắng luôn gần như mang đến những hình ảnh ăn mừng quen thuộc. Còn với kẻ chiến bại, các camera luôn tìm thấy cho mình những khung hình độc đáo. Thích thú với người cầm máy, nhưng đau đớn cùng cực cho những ai trót yêu người thua cuộc phải hướng mắt lên khung hình.
Năm 2014, là một Messi khóc như mưa trong phòng thay đồ trước sự dỗ dành của Zabaleta. Năm 2015, tại SVĐ Quốc gia Chile, là cậu bé mặc áo đỏ Chile choàng tay ôm lấy Messi chụp ảnh selfie. Còn 2016, tại MetLife, là một Messi không dám nhìn ra sân, chống tay vào thành của băng ghế ngồi ngoài đường piste. Và chính đó, bị số phận quay lưng, thế hệ của những Messi, Aguero, Di Maria,… cứ phải gánh chịu những năm tháng mòn mỏi đợi chờ cho một danh hiệu lớn của cả đời người.
Cái vui của người Argentina hôm nay đã được tô đậm bằng những thất bài đằng đẵng
Hẳn ngay cả bản thân các cầu thủ Argentina đều tin rằng họ đã làm tất cả những gì có thể để bước lên bục cao nhất, và khi bạn đã lên rất cao, rồi rơi xuống tận cùng, chỉ còn lại nỗi đau khôn xiết. Messi và các đồng đội đã cố gắng, nhưng đến cuối, họ trở thành nạn nhân của chính mình.
“Don’t cry for me, Argentina.” Đừng khóc cho tôi, Argentina, là ca khúc bất hủ được sáng tác cho bộ nhạc kịch Evita. Nhưng lại chính những giai điệu ấy đã trở thành bài nhạc chủ đề cho câu chuyện về thế hệ tài năng của bóng đá Argentina. Thua, cứ thua, cứ thua hoài. Người yêu Argentina thì vẫn cứ khóc. Đắng cay và mặn chát. Bóng đá mang trong mình hai mặt, nước mắt của người này là nụ cười kẻ khác. Trước lằn ranh lịch sử, định mệnh chỉ chọn một cái tên. Dù là Đức, hay Chile, chỉ biết rằng Argentina đã không bao giờ được chọn.
Cho đến ngày hôm nay, khi cuối cùng, Messi và Argentina cũng đã biết cái cảm giác của vinh quang đầy cảm xúc. 28 năm kể từ những bàn thắng của Batistuta năm 1993, một danh hiệu lớn cuối cùng cũng đã được trao tay người Argentina và cuốn album buồn cũng đã đến lúc cho vào ngăn tủ.
Hoàng Thông Le Foot
Tin thể thao 247 & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.