Cuối cùng, sau nhiều năm kể từ khi ý tưởng được manh nha, UEFA đã chính thức tuyên bố bỏ Luật bàn thắng sân khách ở các giải đấu của họ kể từ mùa giải tới. Quyết định ấy, vốn dĩ có thể được dự đoán từ trước, nên hay không nên?
Câu trả lời là còn tùy bạn từng đứng về phe thua cuộc hay chiến thắng trước quy luật của bàn thắng sân khách. Nhưng nếu là phe trung lập, bạn sẽ đứng về cái gọi là công bằng hay những điều kịch tính? Lẽ thường, là các fan, chúng ta ít khi muốn sự thay đổi, và nhất là những thay đổi đến từ UEFA – một tổ chức ngày càng bị đặt dấu hỏi về cách điều hành và những chính sách của họ.
Tranh cãi xoay quanh Luật bàn thắng sân khách luôn là: Trong trường hợp hai đội có tỷ số hòa sau hai lượt, tại sao một đội ghi được nhiều bàn thắng hơn trên sân khách lại giành quyền đi tiếp? Tại sao việc ghi bàn trên sân khách hay sân nhà, ở lượt đi hay lượt về lại mang ý nghĩa khác nhau? Tại sao mọi bàn thắng lại không có giá trị như nhau?
Luật bàn thắng sân khách được áp dụng lần đầu ở bóng đá châu Âu vào những năm 60, cụ thể là năm 1965, tại cúp C2, tức Cup Winners’ Cup. Sau đó 2 năm, cúp C1 châu Âu cũng đưa vào áp dụng luật này, ban đầu là ở vòng 1, sau đó là vòng 2 trước khi chính thức điều chỉnh cho xuyên suốt các giai đoạn giải đấu vào mùa giải 1970/71.
Thời điểm ấy, những loạt sút luân lưu vẫn chưa được thừa nhận rộng rãi, những trận playoff hoặc những trận có tỷ số hòa sau hai lượt thường được phân định bằng một cuộc đấu trên sân trung lập. Thậm chí, một phương án thay thế ngày đó là tung đồng xu để phân xử đội đi tiếp, song, đấy vẫn là “cái đỡ tệ nhất trong hai cái đều tệ” (the lesser of two evils).
Thống kê từ tờ The Guardian chỉ ra, trước thời điểm Luật bàn thắng sân khách được áp dụng, chỉ có 16% các trận sân khách ở châu Âu có kết quả đội khách giành chiến thắng. Với riêng các trận đấu thuộc cúp châu Âu, BBC chỉ ra tỷ lệ này là 18,98%.
Những chuyến làm khách thời kỳ này khó khăn hơn chúng ta tưởng so với bây giờ: chi phí đắt đỏ, đi lại mệt mỏi và các đội khách luôn phải đương đầu trước những điều kiện xa lạ, khắc nghiệt và thậm chí là thù địch. Nếu lật lại những bức ảnh cũ ngày đó, cảnh tượng các cảnh sát đứng cạnh cột cờ tay cầm một điếu thuốc không hiếm. Làm khách trong điều kiện như vậy, tinh thần của đội làm khách không rén mới là lạ. Đó là chưa kể, bất lợi của việc làm khách còn nằm ở tính nắm bắt thông tin về đối thủ: các đội làm khách hiếm khi “trinh sát” và hiểu rõ về đối thủ họ sắp chạm mặt.
uật bàn thắng sân khách được đặt ra để trước tiên là hủy bỏ những trận đấu đá lại tốn chi phí
Hệ quả là tại cúp C1 mùa giải 1964/65, chỉ có 3 trong số 30 trận đấu với cách biệt từ 2 bàn trở lên sau trận lượt đi là bị lật ngược thế cờ. Những chiến thắng trên sân khách sau hai lượt là thứ hiếm và không có gì bất ngờ trong bối cảnh thời đại này.
Vì lẽ đó, Luật bàn thắng sân khách được đặt ra để trước tiên là hủy bỏ những trận đấu đá lại, vốn tốn kém chi phí liên quan đến logistics (hậu cần – vận hành, di chuyển,…) và những vấn đề về lịch thi đấu cũng như sức lực cầu thủ. Thứ hai là nhằm khuyến khích đội khách thi đấu quyết liệt và hứng khởi hơn.
Xét về mặt lý thuyết, một trận thua 0-2 vẫn có cơ hội lật ngược. Vậy nên, Luật bàn thắng sân khách củng cố giả thuyết ấy, với mong muốn thúc đẩy các đội bóng: thà thua 1-3 trên sân khách còn hơn nhận thất bại 0-2. UEFA muốn các đội đá sân khách “chịu chơi” và sẵn sàng đánh đổi hơn. Bởi giờ đây, việc ghi 1 bàn trên sân khách có thể biến thất bại trở thành một chiến thắng, bỏ qua cả giai đoạn san hòa. Và điều này góp phần biến những trận đấu lượt về trở nên hấp dẫn, đầy tính drama.
Song, với nhiều người lẫn UEFA của hiện tại, bản chất của mục đích đầu tiên khi Luật bàn thắng sân khách được áp dụng, không còn nữa.
Trên tạp chí The Blizzard, tác giả Ian Hawkey từng viết: “Ở những giải đấu mà điều kiện thi đấu trên sân nhà và sân khách vốn chênh lệch nhau rất lớn – ví dụ Champions League châu Phi – những chiến thắng của các đội trên sân khách là điều hiếm có. Ở đó, chất lượng sân bãi ở mức thấp, bầu không khí thù địch, công tác chuyên môn của các trọng tài bị đặt dấu hỏi. Thậm chí, một cặp đấu hai lượt có khi diễn ra ở hai mùa khác nhau: mùa đông ở Tunis (bắc Phi) lại là mùa hè thiêu đốt ở Cape Town (nam Phi). Chính trong những hoàn cảnh như vậy, Luật bàn thắng sân khách mới phát huy giá trị của sự bù trừ, đúng như sơ khai đề ra.”
“Song, ở Champions League của châu Âu, điều kiện như vậy gần như không còn,” Vẫn lời Ian Hawkey. “Nếu như cúp châu Âu thập niên 60, 70 là những câu chuyện kỳ quặc, với sự đa dạng điểm đến và các đối thủ, thì thể thức ngày nay lại mang tính lặp lại và có tính chất tập trung, bè phái.”
Có thể hiểu rằng, việc giao thông liên lạc giờ đây đã tốt hơn xưa ở châu Âu, khi châu Âu gần như trở thành một khối thống nhất và điều kiện thi đấu ở các quốc gia được chuẩn hóa để đạt đến sự đồng nhất. Giữa bờ đông và bờ tây, như Pháp với Nga, sự chênh lệch cũng không còn quá lớn so với trước kia.
Trong khi, mỗi đội bóng giờ đây gần như là một tập thể đa quốc gia, một “liên hiệp quốc” thu nhỏ, với phong cách chơi bóng ngày càng có nhiều điểm chung. Những chuyến làm khách cũng trở thành điều bình thường, không còn là cực hình như ngày xưa. Tiếp cận thông tin, scout đối thủ cũng dễ dàng chỉ với vài cú click chuột qua những nền tảng dữ liệu và video. Vì vậy, ý nghĩa sơ khai của Luật bàn thắng sân khách trở nên biến dạng.
Trên tờ The Guardian, ký giả Jonathan Wilson – tác giả của nhiều đầu sách bóng đá nổi tiếng, nhưng còn là người theo chủ nghĩa chống lại Luật bàn thắng sân khách – tin rằng sự tồn tại của luật này là sự bất công, dù nó thật sự mang đến yếu tố hấp dẫn và khó lường cho các trận đấu.
Ajax bị loại cho dù ghi 3 bàn như đối thủ
Ông dẫn chứng trận bán kết Champions League 2019. Ajax, đội bấy giờ có tỷ số 1-0 ở lượt đi trên sân khách, đến thời điểm cuối trận lượt về trên sân nhà đang có tỷ số hòa 2-2 (nghĩa là dẫn 3-2 sau hai lượt), nhưng rồi Lucas Moura ghi bàn ở phút 90+6, mọi thứ tiêu tan với đại diện Hà Lan. Ajax bị loại cho dù ghi 3 bàn như đối thủ. Drama, đúng, nhưng liệu có công bằng? Wilson cho là không.
Rõ ràng, Luật bàn thắng sân khách tạo ra bầu không khí căng thẳng đến cực độ, khi một bàn thắng chuyển hóa một thất bại thành một chiến thắng, tức là một bước lên tiên, thay vì một thất bại trở thành một kết quả hòa. Với những ai xem bóng đá là một trò chơi để giải trí, họ vui vì kết cục được mang lại. Nhưng xét ở góc độ thể thao với sự cạnh tranh thuần túy, thật khiên cưỡng để nói Tottenham đã đánh bại Ajax trong hai lượt trận để giành quyền vào chung kết.
Lấy một ví dụ khác, đội A đá sân nhà hòa đội B với tỷ số 0-0 ở lượt đi; đến lượt về, đội A hòa đội B 3-3; đội A giành quyền đi tiếp vì họ ghi được 3 bàn trên sân khách, trong khi đội B trước đó ghi 0 bàn trên sân khách. Kết luận được đưa ra là vì việc ghi bàn trên sân khách khó hơn nên đội A đã gây được ấn tượng. Tuy nhiên, chẳng phải đội B cũng gây ấn tượng khi không để thủng lưới trên sân khách? Tránh bị thủng lưới trên sân khách cũng giỏi mà?
Không thể kết luận rằng ghi bàn trên sân khách là thước đo phản ánh sự hay-dở của một đội so với đội khác.
Một lập luận khác của phe ủng hộ Luật bàn thắng sân khách được nhắc đến: Luật này khuyến khích các đội làm khách chơi tấn công để ghi bàn và giành chiến thắng trên sân đối phương. Điều này trước tiên có nghĩa rằng tính giải trí tăng lên và được đề cao, thay vì coi trọng tính công bằng.
Năm 2013, Jonathan Wilson cũng trên tờ The Guardian chỉ ra rằng, đã có từ 30% đến 35% các trận đấu ở cúp châu Âu chứng kiến đội khách giành chiến thắng. BBC vào năm 2018 dẫn chứng, 28,41% các trận đấu từ vòng bảng trở đi của Champions League cho kết quả những chiến thắng thuộc về đội khách – mức tăng thật sự đáng kể so với thập niên 60.
Một nghiên cứu của tờ The Times vào năm 2018 từng viết: Khi Luật bàn thắng sân khách được giới thiệu vào thập niên 60, lợi thế sân nhà bấy giờ rất đáng kể – như chúng ta đã rõ. Trong 25 năm đầu tiên của cúp C1, tức là đến năm 1980, đội sân nhà ghi trung bình nhiều hơn 1,06 bàn so với đối thủ. Trong giai đoạn từ 1980 đến 2000, con số này giảm xuống còn 0,77 bàn. Và kể từ năm 2000 trở đi, các đội sân nhà chỉ còn ghi nhiều hơn đối thủ trung bình 0,51 bàn mỗi trận.
Ở một góc độ nào đó, những con số này có thể được quy kết rằng: Luật bàn thắng sân khách trong giai đoạn đầu đã thúc đẩy các đội làm khách mạnh dạn chơi tấn công và từ đó giành được chiến thắng trên sân khách. Bản thân các đội sân nhà cũng hiểu rõ lợi thế sân nhà mà họ có được và vì thế tìm cách phát huy, thông qua mức 1,06 bàn ghi nhiều hơn đối thủ trong giai đoạn đến năm 1980.
Tạm chấp nhận rằng, trong 25 năm đầu tiên của cúp C1, Luật bàn thắng sân khách đã đạt được cả hai mục tiêu nó đề ra, trong khi vẫn đảm bảo các đội đá sân nhà hiểu rõ tầm quan trọng của lợi thế sân nhà là như thế nào.
Luật bàn thắng sân khách có thật sự khích lệ các đội làm khách chơi tấn công?
Tuy nhiên, Jonathan Wilson dẫn chứng thêm, cúp C1 châu Âu trong 12 mùa giải trước khi Luật bàn thắng sân khách được áp dụng, các đội làm khách không ghi bàn trong 33% trận đấu. 12 mùa giải sau khi luật này được áp dụng, cũng các đội làm khách không ghi bàn đến 45% trận đấu.
Wilson không vội kết luận rằng Luật bàn thắng sân khách thật ra chẳng khuyến khích các đội khách chơi tấn công gì cả, vì ông tin rằng đây là giai đoạn mà bóng đá phòng ngự ở châu Âu lên ngôi. Nhưng ông tự tin rằng không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy Luật bàn thắng sân khách thật sự khích lệ các đội làm khách chơi tấn công.
Một khía cạnh khác đáng lưu tâm. Từ giai đoạn 1980 đổ về sau mà cụ thể là từ năm 2000 trở đi, các đội đá sân nhà chỉ còn ghi nhiều hơn đối thủ trung bình 0,51 bàn mỗi trận. Nó cho thấy điều gì? Hãy lật ngược vấn đề từ con số ấy.
Phải chăng, nó cho thấy các đội đá sân nhà giờ đây tỏ ra thận trọng hơn: Hòa 0-0 trên sân nhà ở lượt đi là một kết quả cũng có thể tạm hài lòng và hợp lý, vì chỉ cần ghi bàn trên sân khách sau đó, cơ hội đi tiếp là rất lớn? Ý nghĩa của Luật bàn thắng sân khách bị đẩy xa giới hạn, nó không đơn thuần chỉ còn là tìm kiếm lợi ích cho đội khách, mà còn khiến đội chủ nhà lựa chọn một cách chơi ít hấp dẫn hơn. Các đội đá sân nhà ở trận lượt đi vừa có nỗi lo bị thủng lưới trên sân nhà, vừa tin rằng việc phải hành quân xa nhà ở trận lượt về không còn đáng sợ và bất lợi nữa.
Trong những năm gần đây, số bàn thắng trên sân nhà của các đội qua mỗi trận đều suy giảm. Ở bóng đá Anh – đương nhiên không áp dụng Luật bàn thắng sân khách – số lượng bàn thắng trên sân nhà cũng bắt đầu giảm. Điều này có nghĩa: Lợi thế sân nhà đã không còn như xưa. Và nếu lợi thế sân nhà đã không còn quá lớn như thời kỳ những năm 60, Luật bàn thắng sân khách – vốn bù đắp cho các đội đá sân khách – cũng nên bị hủy bỏ? Bởi lẽ, khuyến khích đội khách chơi tấn công và tìm kiếm bàn thắng thông qua một điều luật làm chi, khi mà lợi thế sân bãi đang dần được cào bằng và các cầu thủ được chuẩn bị về mặt tâm lý tốt hơn nếu phải làm khách?
Năm 2014, MLS – giải bóng đá nhà nghề Mỹ - áp dụng Luật bàn thắng sân khách vào các trận playoff của họ. Song, một nghiên cứu chỉ ra, không có bằng chứng nào khẳng định luật này khuyến khích các đội làm khách chơi tấn công và ghi bàn nhiều hơn so với giai đoạn trước đó.
Trong thông báo của mình, UEFA dẫn ra những con số ủng hộ cho quyết định hủy bỏ Luật bàn thắng sân khách của họ. Cụ thể, thống kê từ thập niên 70 đến nay chỉ ra một xu hướng rõ ràng ở các giải đấu bóng đá nam: Chênh lệch giữa số trận thắng trên sân nhà/sân khách liên tục giảm (từ 61%/19% xuống còn 47%/30%), chênh lệch giữa số bàn thắng trung bình mỗi trận trên sân nhà/sân khách cũng liên tục giảm (từ 2,02/0,95 xuống còn 1,58/1,15).
Thống kê của UEFA đồng nghĩa với việc lợi thế sân nhà trong bóng đá giờ đây đã không còn quá đáng kể. Và vì thế, Luật bàn thắng sân khách giúp các đội làm khách bù đắp cho việc phải hành quân xa nhà không nên tiếp tục tồn tại.
Thực tế, UEFA trước khi đi đến quyết định này đã lắng nghe nhiều ý kiến của các bên trong cuộc, cụ thể là các HLV.
Arsene Wenger và Sir Alex Ferguson đều có quan điểm về sự bất cập của Luật bàn thắng sân khách
Trong quá khứ, vào tận năm 2008, Arsene Wenger từng đưa ra quan điểm: “Tôi tin rằng gánh nặng chiến thuật của bàn thắng sân khách ngày càng lớn. Những đội chỉ cần hòa 0-0 trên sân nhà thế là cảm thấy hài lòng. Thay vì mang lại hiệu ứng tích cực như đề ra ban đầu, Luật bàn thắng sân khách đã đẩy khía cạnh chiến thuật đi quá xa trong bóng đá hiện đại. Nó mang lại tác dụng ngược. Nó khuyến khích các đội chơi phòng ngự ngay cả trên sân nhà của họ.”
Năm 2014, Sir Alex Ferguson từng phát biểu trong cuộc gặp giữa các HLV hàng đầu châu Âu về sự bất cập của Luật bàn thắng sân khách: “Từ góc độ cá nhân, mỗi lần đội bóng của tôi chơi trên sân nhà, tôi thường tự nói với bản thân rằng: Đừng để thủng lưới.”
Năm 2018, HLV Diego Simeone của Atletico Madrid cũng từng than phiền: “UEFA cần phải xem xét độ khó của một đội khi chơi trận lượt về trên sân nhà. Bấy giờ, đối thủ có thêm 30 phút trong hiệp phụ và một bàn thắng họ ghi được đáng giá gấp đôi, rõ ràng là lợi thế sân nhà có còn nữa đâu. Tôi mong muốn những ai tìm kiếm sự công bằng trong thể thao nhìn lại vấn đề này. Không có lý do gì một đội chơi trận lượt về trên sân khách mà lại có thêm 30 phút cùng cơ hội ghi một bàn thắng nhưng đáng giá gấp đôi.”
Quyết định bãi bỏ Luật bàn thắng sân khách thì cũng đã được đưa ra, nhưng hãy xem phe ủng hộ luật này từng phản biện như thế nào trong quá khứ.
Năm 2019, Omar Chaudhuri, một thành viên của Twenty First Group, một công ty tư vấn khoa học thể thao, từng đưa ra lập luận theo chiều hướng: Luật bàn thắng sân khách giúp các trận đấu hai lượt trở nên thú vị hơn. Ông mang các số liệu về Champions League từ năm 2003 đến 2019 để củng cố cho quan điểm của mình.
Trước tiên, Omar bác bỏ ý kiến cho rằng luật này khuyến khích các đội sân nhà chơi cầm chừng, giữ tỷ số lượt đi 0-0. Theo đó, chỉ 10% số trận lượt đi ở vòng knockout Champions League chứng kiến tỷ số 0-0. Tỷ lệ này ở vòng bảng giữa đội đứng nhất và nhì bảng đấu cũng gần như tương đương (9,6%). Vì vậy, kết luận được đưa ra: Không có bằng chứng nào cho thấy Luật bàn thắng sân khách trở thành một tác nhân quyết định đấu pháp và chiến thuật tiếp cận trận đấu của các đội sân nhà ở lượt đi.
Thứ hai, Omar hướng đến kết cục của việc bỏ đi Luật bàn thắng sân khách. Điều này sẽ dẫn tới nhiều trận đấu được định đoạt trong hiệp phụ và trên loạt sút luân lưu. Thống kê chỉ ra, trong 44 trận đấu có tỷ số hòa sau 180 phút bóng lăn, thì 52% được định đoạt bởi Luật bàn thắng sân khách. Rất khó để biết chính xác xu hướng tiếp cận của các đội bóng sẽ thay đổi ra sao, nhưng số trận đấu với hiệp phụ sẽ tăng lên xấp xỉ gấp đôi. Cá nhân Omar không cho rằng bóng đá kéo sang hiệp phụ là điều hấp dẫn. Ông dẫn chứng: 13 trong số 21 trận đấu bước sang hiệp phụ thì vốn dĩ đều có tỷ số hòa 0-0, và vì vậy loạt luân lưu tiếp diễn. Omar đặt câu hỏi: Đó có phải là thứ mà các khán giả mong muốn?
Một bàn thắng có thể biến thất bại thành chiến thắng, cũng như chiến thắng thành thất bạ
Omar dù khẳng định Luật bàn thắng sân khách thật sự giúp các đội làm khách có được lợi thế trong 30 phút thời gian hiệp phụ, khiến lợi thế sân nhà của đối thủ gần như biến mất, nhưng cái cốt lõi mà ông muốn chứng minh vẫn là luật này mang đến một thứ rất khác biệt cho bóng đá. Đó là ý niệm về ý nghĩa của một bàn thắng có thể biến thất bại thành chiến thắng, cũng như chiến thắng thành thất bại – một kiểu đòn bẩy trong thời khắc mong manh mà chính Champions League mới có.
Có thể thấy, xét ở góc độ tìm kiếm sự công bằng trong thể thao, những người ủng hộ quyết định của UEFA dễ dàng có được luận cứ và viện dẫn dễ dàng thuyết phục hơn. Trong khi, với những ai yêu thích nét kịch tính và gay cấn mà Champions League đã luôn mang lại, quyết định ấy thật khó chấp nhận, nhưng cũng không dễ để phản biện.
Hoàng Thông Le Foot
Thethaoso247 & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.