Viển cảnh Messi khoác áo PSG và chống lại chính Barca ở Champions League có thể sẽ không còn là một viễn tượng nữa. Phía PSG đã đề nghị Messi một hợp đồng tới 2023, có thể gia hạn thêm 1 năm tới 2024, với mức lương 35 triệu euro. Tại sao Barca lại để mất một biểu tượng của mình dễ dàng như thế? Hãy thử nhìn từ giác độ của Joan Laporta, chủ tịch Barcelona…
PSG có thể chưa tạo dựng nên một siêu sao tên tuổi nào gắn bó với CLB suốt chiều dài sự nghiệp của mình nhưng Parc des Princes rất có khả năng là nơi để những tượng đài giã từ sự nghiệp. Đã từng có một David Beckham vẫy tay chào khán giả lần cuối trong màu áo cầu thủ ở PSG hồi 2013 và rất có thể 10 năm sau, sẽ là một cái vẫy tay của một tượng đài khác: Lionel Messi.
Tại sao Barca lại để mất Messi một cách dễ dàng thế? Đó vẫn là câu hỏi trằn trọc của nhiều ủng hộ viên đội bóng. Chẳng lẽ không còn một phương án giải quyết nào cho trọn vẹn hay sao? Và những trách móc rồi sẽ được tung ra đúng cái ngày Messi ra mắt một đội bóng khác mà một trong những đối tượng bị trách móc rất có thể là chủ tịch Laporta. Nhưng nếu thử đặt mình ở vị trí của ông, chúng ta sẽ hiểu quyết định của ông đúng nghĩa là “Mes que un club”.
Laporta từng hứa giữ chân Messi bằng mọi giá
Tháng 03/2021, khi Laporta nhận chức chủ tịch Barca, ông đã hứa sẽ giữ chân Lionel Messi bằng mọi cách. Nếu đối chiếu lời hứa ấy với những gì đang diễn ra, rất có thể chúng ta dễ dàng sa vào cái bẫy quy chụp để cho rằng ông là một người không đáng tin cậy. Sự thực có phải Laporta là một con người bất tín đến vậy? Chắc hẳn là không rồi. Bởi nếu bất tín, ông sẽ khó lòng chiếm được lòng tin của những hội viên đã bầu cho mình tái đắc cử. Chẳng gì thì cả một nhiệm kỳ chủ tịch đầu tiên của ông cũng đủ dài để họ hiểu ông nói và làm như thế nào.
Có hẳn là Laporta muốn dùng vụ Messi để tạo sức ép lên La Liga trong phi vụ hợp tác với CVC Capital Partners? Việc Barca công bố chấm dứt với Messi khi chưa đến quá gần thời hạn cuối cùng của việc đăng ký cầu thủ cho chúng ta cảm giác đang có một đòn áp lực từ phía Barca thật sự. Nhưng chúng ta cũng cần đặt thêm một câu hỏi: “Tạo sức ép như vậy có hiệu quả không?”. Nên nhớ, thành viên của Liga Nacional de Fútbol Profesional có tới 42 đội bóng và dù vĩ đại đến đâu, Barca cũng chỉ có một lá phiếu như mọi lá phiếu khác. La Liga không thể thay đổi cả một kế hoạch cải tổ đầy hứa hẹn chỉ vì một ngôi sao chỉ còn 2-3 năm hoạt động nữa là tối đa. Tương lai của La Liga không nằm trong tay một mình Messi để mà gây sức ép.
Hơn nữa, La Liga vẫn sẵn lòng chấp thuận việc đăng ký thi đấu cho Messi với mức lương được công bố trên truyền thông là 20 triệu euro/mùa (giản 50%) sơ với trước đây. Vậy thì lý do nào Barca lại dừng lại và công bố việc dừng lại ngay lúc này?
Thực tế, ở cương vị của Laporta, những nỗ lực trên thị trường chuyển nhượng gần đây đã cho thấy ông đang tìm mọi cách để giữ chân Messi ở lại. Việc Barca chạy hết công suất để có thể tìm một bến đỗ mới cho Griezmann rõ ràng là động thái để cắt giảm quỹ lương nhằm mục đích tạo khoảng trống cho phần của Messi. Nhưng tình hình không khả quan như mong đợi bởi khó có CLB nào có thể đón Griezmann lúc này khi lương thưởng là vấn đề còn đau đầu hơn cả phí chuyển nhượng. Và nếu có dọn được Griezmann rồi, Barca vẫn còn đó cả một đống vấn đề về tài chính mà Laporta phải giải quyết, mà cụ thể nhất là khoản nợ 1,7 tỷ euro cùng mức lỗ kỷ lục 487 triệu ẻuo của năm tài khoá 2020.
Laporta đã cố gắng giữ Messi lại
Trong mắt Laporta, Messi là một biểu tượng nhưng Barca thì còn hơn cả một biểu tượng. Đó là một giá trị, một văn hoá, một cái nôi tạo ra những câu chuyện huyền thoại và những con người huyền thoại. Không thể vì một biểu tượng nhất thời mà đánh đổi tương lai của cả con tàu vĩ đại được. Ông nhìn nhận khoản lương mà Messi sẽ nhận là một gánh nặng lớn mà Barca sẽ kiệt quệ hơn nếu tiếp tục gánh lấy. Ông cũng nhìn nhận rằng với số tiền mà Barca sẽ chi ra cho Messi trong 5 năm, họ có thể tạo dựng được một diện mạo mới và cái diện mạo mới ấy càng thành hình sớm càng tốt bởi kiểu gì thì cũng sẽ đến ngày CLB phải chia tay Messi.
Thật ra, Laporta đúng là đã rất cố gắng để tìm cách giữ chân siêu sao Argentina. Một hợp đồng 5 năm với mức lương giảm 50% chỉ là cách nói tránh cho đẹp cả đôi đường và cũng là một cách cố gắng để lách các quy định. Trên thực tế, nó là một hợp đồng 2 năm nhưng nhận lương tới 5 năm. Đó chính là điểm mà La Liga không thể đồng ý. Nó là một thủ thuật phân bổ chi phí thể hiện bằng bút toán mà thôi. La Liga không chấp nhận việc một cầu thủ không chơi bóng mà vẫn sẽ nhận lương. Họ nhìn thấy rõ, và phân biệt rõ giữa “5 năm, mỗi năm 20 triệu” đầy tính hình thức và “2 năm, mỗi năm 50 triệu” trên thực tiễn đúng theo kiểu đồng để mua mắm không được dùng cho việc mua tương.
Khúc mắc lớn nằm ở đó. Chính Laporta đã thừa nhận về bản đề xuất hợp đồng này và cho rằng nó không phù hợp quy đinh của La Liga. “Từ đầu, chúng tôi đã đạt thoả thuận hợp đồng 2 năm và nhận lương 5 năm nhưng Uỷ ban kỹ thuật của La Liga không chấp nhận một dạng hợp đồng như vậy vì nó không phù hợp với các quy định tài chính”, Laporta đã phát biểu như thế. Và đến đây, chúng ta cần đặt ra câu hỏi “Liệu cái thông tin chấp nhận giảm lương 50% của Messi có phải là sự thật?”. Nếu Messi chấp nhận giảm lương, nhận 20 triệu euro/ năm, rất có thể sẽ có bản hợp đồng kéo dài 2 năm và đính kèm thêm điều khoản gia hạn giống như cách mà PSG đang đề nghị. Nếu có một hợp đồng như vậy, La Liga sẽ không ngăn cản việc đăng ký Messi ở mùa giải này, và sẽ không có bom tấn thông tin suốt mấy hôm nay.
Laporta buộc phải nói lời chia tay Messi
Trước hoàn cảnh ấy, Laporta buộc phải nói lời chia tay Messi. Ông coi sự tồn vong của Barca mới là mục tiêu lớn nhất lúc này và sự tồn vong ấy, đối với ông, không nhất thiết phải gắn liền với cái tên Lionel Messi. Và cách làm của ông, dù gây shock, nhưng cũng có một điểm có lợi. Đó là nó tạo một áp lực buộc những cái tên ngôi sao còn lại trong đội hình Barca phải thể hiện được mình khi mà khán giả trung thành với Messi sẽ tìm đến họ để đổ lỗi. Song song, nếu tiết kiệm được 100 triệu euro cho Messi, trong 5 năm tới, Barca có thể đầu tư cho những nhân tố có triển vọng ở La Masia, nơi Messi đã bắt đầu.
Vậy thì sẽ có thêm câu hỏi là tại sao Laporta không làm điều này tử sớm hơn mà phải đợi tới lúc này? Thật ra, nếu Laporta tuyên bố sẽ không tiếp tục với Messi, ông sẽ khó lòng đắc cử. Ông hứa làm hết mọi cách để giữ chân Messi và đúng là ông đã làm mọi cách rồi. Nó thể hiện qua đề nghị 5 năm mà ông đưa ra, qua những rao bán Griezmann suốt mấy tháng trời. Khi đã làm hết mọi cách mà không ra kết quả, “quay xe” là lựa chọn tỉnh táo nhất.
Với quả bom tấn gây shock mang tên Messi, nhũng Griezmann, Coutinho, Pjanic, Umtiti nên hiểu rằng họ cũng có thể bị Barca đẩy ngay ra đường nếu có cơ hội. Và chúng ta cũng đừng nên kinh ngạc quá nếu chỉ trong những ngày còn lại của TTCN hè 2021 này, Barca tiếp tục bán tháo những tên tuổi lừng danh nhất mà họ đang có. Những tên tuổi ấy là hiện tại về chiều và cũng sớm sẽ trở thành quá khứ thôi. Còn Barca thì cần tương lai, tính bằng cả chục năm trước mắt. Laporta sẽ chỉ dồn sức cho tương lai ấy chứ không thể chỉ ve vuốt quá khứ và hiện tại đơn thuần. Đó là điểm khác biệt rất lớn giữa ông và Bartomeu, vị cựu chủ tịch đã chỉ vì những hiện tại ngắn ngủi của mình mà suýt huỷ hoại cả một tương lai của cả CLB.
Buồn nào rồi cững qua
Tạm biệt Lionel Messi. Không có anh, Barca chắc sẽ buồn. Nhưng buồn nào rồi cũng hết và với những cules chân chính, Barca mới là duy nhất, là tất cả chứ không phải là hình ảnh thông qua một gương mặt siêu sao nào.
Hà Quang Minh