Nói không ngoa, Italia của Roberto Mancini đang là nguồn cảm hứng của bóng đá đẹp của EURO 2020 tính cho tới lúc này. Đó là một thực tế kỳ lạ bởi chưa bao giờ Azzurri lại là dạng cảm hứng như thế. Sự thay đổi của Mancini là gì, và như thế nào?
Một ngày trước khi Azzurri ra sân ở lượt trận cuối của bảng A, tiếp xứ Wales, tờ Gazzetta dello Sport chạy những 4 trang nội dung đầu tiên với những hình ảnh rất cũ, đầy tinh thần “retro”, bằng những tấm ảnh đen trắng, hoặc sepia. Không ai thấy sắc thiên thanh ở đó cả? Điều gì đang xảy ra? Một azzurri đang là trọng tâm của tung ca suốt những ngày qua đã đi đâu rồi?
Thực ra, đó là những trang tưởng niệm cho một tượng đài bóng đá Ý, Giampiero Boniperti, một cựu danh thủ Juve, cựu giám đốc của Juve. Ông qua đời ngày 18/06. Trước khi màu áo thiên thanh tiếp đón xứ Wales, ông đi tìm một thiên thanh khác, ở xứ sở thiên đàng.
Những trang tưởng niệm Giampiero chẳng có liên quan gì đến Azzurri lúc này nhưng hoá ra, nó có thể khiến ta liên tưởng đến quân đoàn thiên thanh của Mancini, khi họ đang thi đấu rất tưng bừng ở một mùa EURO kỳ lạ. Đó là một mùa EURO diễn ra ở năm lẻ đầu tiên và duy nhất trong lịch sử. Và dù thi đấu ở năm 2021, nó vẫn được định danh là EURO 2020. Lý do thì ai cũng biết rõ rồi. Nhưng cái tên EURO 2020 cùng thời gian nó đang diễn ra khiến ta bật nghĩ về hiện tại và quá khứ. Nó chính là một mùa EURO của “một-hiện-tại-đang-cũ” và ở đó cũng là Azzurri của “một-hiện-tại-đang-cũ” phảng phất màu sepia của thế hệ Giampiero.
Ai cũng khen ngợi Azzurri của Mancini và ai cũng nói về cái hay, cái đẹp của họ. Những ngợi khen ấy, kể cả có khi quá lời, vẫn rất đúng đắn. Nó đến từ các quan sát về cự ly đội hình, về tốc độ chơi bóng, về khoảng cách chơi bóng, về kỹ thuật chuyền bóng, về tổ chức pressing vv và vv. Nhưng dường như chưa ai nhận ra bản chất và cội nguồn trong cải cách của Mancini là gì và ông đã và đang xây dựng một Azzurri của hiện tại bằng các nền móng nào từ quá khứ.
Chúng ta đều hiểu, triết lý nền tảng xuyên suốt, và là đặc sản, và là bất khả xâm phạm của bóng đá Ý chính là “phòng ngự là trên hết”. Cứ phòng ngự đi đã, rồi bàn thắng sẽ kéo theo sau là tất cả những gì người Ý đã và đang làm cả 100 năm rồi. Nhưng phòng ngự của Mancini khác xa với phòng ngự của Sacchi, của Lippi, của bao nhiêu tiền bối ở chỗ nào? Đó mới là điều chúng ta nên quan tâm nhất.
Thực chất, dù Ý chơi bóng thể hiện một vẻ đẹp bên ngoài của tấn công dồn dập nhưng bản chất bên trong lại chính là phòng ngự. Chủ trương của Mancini về phòng ngự đã khác với chính ông của 10 năm trước và khác tất cả các tiền bối bóng đá Ý đã qua.
Không còn là một thứ phòng ngự tổ chức chặt chẽ, kín kẽ với đội hình chơi thấp, chủ yếu hoạt động của tuyến phòng ngự ở phần sân nhà như xưa nũa. Thay vào đó, Azzurri phòng ngự bắt đầu từ 35m cách mặt thành của Donnaruma và diễn ra trong một khoảng không gian từ đó đến cách mặt thành đối phương khoảng 30m.
Trong khoảng không gian dài 40m ở giữa sân ấy, Azzurri có thể bóp nghẹt mọi cách tổ chức bóng của đối thủ nhờ vào sự gắn kết kỳ lạ của các tiền vệ, các cầu thủ chạy cánh và trung phong. Nicolo Barella, Manuel Locatelli và Ciro Immobile chính là 3 nhân tố vô cùng quan trọng trong hệ thống phòng ngự ở giữa sân này. Sau lưng họ là Jorginho với sự cơ động dịch chuyển theo sự xoay chuyển của 3 mũi kể trên. Nhờ đó, mọi tranh chấp đều xảy ra ở khu vực 40m trọng yếu này và nó giảm thiểu những gánh nặng lên cặp vệ binh già Bonucci - Chiellini.
Việc đẩy đội hình cao lên như thế cùng với chủ động phòng ngự bằng tuyến tiền vệ đã giúp Azzurri tạo ra các bước ngoặt quan trọng. Thứ nhất, thay vì phát động bóng từ tuyến dưới theo pha 1 (phase 1) truyền thống, bóng được phát động ngay từ giữa sân, ngay ở không gian của nhóm triển khai bóng ở pha thứ 2 (phase 2). Từ đó dẫn tới tiết kiệm tối đa thời gian tổ chức khi phát động và triển khai ở gần nhau, thậm chí có thể bỏ qua cả khâu phát động. Bởi vậy, chúng ta mới thấy vì sao Ý lại có thể tấn công liên tục như vậy.
Và đặc điểm của lối phòng ngự ở trung tuyến này là gì? Đó là tỉnh táo nhận biết thời điểm, bối cảnh của cuộc chơi để can thiệp kịp thời, là pressing khu vực đúng chất Arrigo Sacchi đã tạo dựng, là kỹ năng tranh chấp tay đôi nhạy và chuẩn xác kiểu đặc trưng chỉ có Ý mới có, và thậm chí, đôi khi là cả những tiểu xảo nằm trong giới hạn cho phép đủ để đối phương không thể chơi bóng theo ý của mình. Tất cả các đặc điểm ấy là cái “quá khứ” của người Ý, một thứ quá khứ được bảo tồn thành bản sắc của một nền bóng đá.
Nhưng quá khứ, một thứ được coi là cũ, lại sinh động trong hiện tại của Azzurri như thế nào? Nếu xưa kia, mọi kỹ nghệ phòng ngự của Ý được chúng ta đọc từ những bộ óc và đôi chân của các cầu thủ hậu vệ thì hôm nay, chúng lại hiển lộ ở những cầu thủ tuyến trên. Đó chính là sự thay đổi bước ngoặt của Mancini, sự thay đổi mang tính nền tảng cho cả nền bóng đá Ý từ nay trở về sau.
Song, trong Azzurri hôm nay, “một-hiện-tại-đang-cũ” không chỉ sống trong bản sắc phòng ngự. Cái sơ đồ hoạt động trên sân của họ cũng đang phục dựng lại quá khứ khác, quá khứ của Metodo mà HLV huyền thoại Vittorio Pozzo đã tạo dựng cho Azzurri từ thập niên 30s của thế kỷ trước. Đó là một sơ đồ 2-3-2-3 với hai tiền vệ trung tâm được gọi bằng danh từ chung mezzala.
Như nói ở trên, Ý chơi với đội hình dâng cao, với khoảng cách với mặt thành của Donnaruma luôn từ 30m trở lên và chủ yếu hoạt động mạnh ở khu vực 40m giữa sân. Trong khoảng không gian này, rõ ràng Ý đã không còn là 4-3-3 như sơ đồ xuất phát nữa. Họ trở thành 2-3-2-3 với các tuyến cụ thể là: Bonucci - Chiellini; Spinazzola - Jorginho - Di Lorenzo; Locattelli - Borella và Insigne - Immobile - Berardi.
Nhưng cái 2-3-2-3 mà Azzurri chơi ngày hôm nay chỉ lấy cái cảm hứng của Metodo mà thôi, nó có cách vận hành linh hoạt hơn khi Immobile ở tuyến trên cùng hoạt động rất năng nổ ở cả giãn rộng lẫn lùi sâu nhằm tăng quân số cấp kỳ cho các điểm nóng. Nó hiện đại chứ không còn công thức như cách đây gần 100 năm. Và tất nhiên, nó tốc độ hơn gấp nhiều lần, tiềm tàng mối đe doạ cho đối phương gấp nhiều lần.
Trong cái hệ thống Metodo của “một-hiện-tại-đang-cũ” ấy, hai tiền vệ Locatelli và Barella cũng hoạt động như hai mezzala quán xuyến toàn bộ dọc hành lang trong. Song, họ không là mezzala của quá khứ khô cằn mà hiện đại hoá nó ở điểm khi cần, họ sẵn sàng bám ra biên để hai cầu thủ chạy cánh đảo vào hành lang trong hoặc họ cắm sâu xuống đáy biên để căng bóng ngược lại cho hai tiền đạo cánh Insigne và Berardi cắt vào dứt điểm. Giữa họ và tiền đạo cánh, cầu thủ chạy cánh luôn có những hoán đổi vị trí linh hoạt ở khoảng 20m cách khung thành đối phương và chính lối hoán đổi ấy nhiều khi khiến hàng thủ đối phương bị xé nát.
Đó chính là cái hiện tại đầy hiện đại mà Mancini đã bồi đắp vào dựa trên cái bản sắc nặng màu quá khứ rất Ý của Azzurri. Sực nhớ, Mancini là con người rất ưa sự cách tân nếu nó mang lại ích lợi phù hợp. Hồi 2012/13, sau khi đưa Man City lên ngôi vô địch Premier League sau nửa thế kỷ, Mancini đã muốn cải cách Man City để chơi với hệ thống phòng ngự 3 người. Và khi Man City không đạt được kết quả mong muốn và sa thải ông, chính Micah Richards đã lên đăng đàn tố ông thầy cũ rằng “Ông ấy cho chơi hàng thủ 3 người (back three) mà tất cả chúng tôi không ai quen với lối chơi ấy”. Vâng, bây giờ, 9 năm sau, hàng thủ 3 người mà Richards chỉ trích kia lại đang thời thượng.
Azzurri sẽ đi tới đâu ở EURO 2020 này, câu trả lời chỉ trời xanh là biết. Nhưng chắc chắn, với một định dạng của “một-hiện-tại-đang-cũ” mà Mancini xây dựng, đội bóng ấy sẽ còn giữ được sức cuốn hút lâu dài, và hoàn toàn có thể nghĩ tới chức vô địch World Cup 2022 mà họ mong đợi 16 năm rồi. Và với những gì mà họ đang thể hiện lúc này, cái “một-hiện-tại-đang-cũ” trong họ cũng đáng được gọi là “một-quá-khứ-vị-lai” lắm chứ. Đúng, đó là một Azzurri giữ được bản sắc quá khứ, nhưng lại mang hình hài hiện đại của tương lai.
Hà Quang Minh
Thethaoso247.com & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.