Như Ý, Anh được chơi 3 trận vòng bảng trên sân nhà, Wembley. Ở đó, họ có rất nhiều lợi thế, nhất là khi khán giả đã được trở lại sân vận động (một cách hạn chế). Nhưng ở đó, họ vẫn đứng trước nguy cơ bị đánh sập bởi một Croatia khó lường.
14 năm trước, trong một ngày mưa, Croatia đã đánh sập Wembley ở trận cuối cùng của bảng E vòng loại EURO 2008. HLV trưởng Steve McClaren, người từng một lần bị chụp hình lại với hình ảnh cầm chiếc ô che mưa bên đường biên cách đó chưa lâu và bị mỉa mai là “the Rain man” đã bị sa thải một ngày sau đó. Fabio Capello đến không lâu sau đó, với nhiều kỳ vọng và ngợi khen nhưng cũng chẳng để lại dấu ấn gì nhiều. Một thế hệ vàng của Anh với những Lampard, Gerrard, Joe Cole, Sol Campbell, Beckham cũng từ đó bị thời gian lướt qua trong nuối tiếc.
Trong số những người đã góp phần đánh sập Wembley năm ấy và khiến Anh không thể giành vé đi EURO 2008, giờ chỉ còn lại duy nhất một cái tên còn tiếp tục với ĐT Croatia: Luka Modric. Ở tuổi 22, Modric đã bắt đầu là lựa chọn trụ cột của HLV Croatia khi ấy là Bilic sau World Cup 2006. “Cruyff của Croatia”, cái biệt danh người ta gọi Modric ngày ấy giờ đã ít người nhắc lại. Điều đó chứng tỏ năng lực của Modric là như thế nào. Một biệt danh gắn với tên của một huyền thoại đã được gỡ bỏ dần khi mà cái tên của chính mình đã bắt đầu trở nên lừng lẫy.
Modric từng là thành viên của ĐT Croatia đánh bại ĐT Anh vào năm 2008
Cũng chỉ 3 năm trước thôi, khi người Anh kỳ vọng rất nhiều vào hành trình World Cup mà họ gọi là “đưa bóng đá trở về nhà” với hàm ý chiếc cúp vàng phải quay lại với nước Anh sau nhiều thập niên chờ đợi, chính Modric cũng là thủ lĩnh của một tập thể đã ngáng chân người Anh ở ngưỡng cửa cuối cùng đến trận chung kết. Sau trận thua ấy, Anh gặp lại Croatia hai lần, và không thua nữa. Nhưng đó có phải là điểm tựa để hôm nay, ở Wembley, họ sẽ tiếp đà bằng chiến thắng.
2007 đến 2018, dĩ nhiên phải là 2 đội hình tuyển Anh khác nhau hoàn toàn. Nhưng ở trận thua tại bán kết World Cup 2018 và 2 trận ở Nations League sau đó, Southgate mang tới 3 đội hình khác nhau, với nhân sự khác nhau đáng kể. Và dù chưa biết rằng đội hình xuất phát của Anh trước Croatia đêm nay thế nào, chúng ta vẫn có thể khẳng định sẽ lại có một tuyển Anh khác hẳn so với 3 trận tiếp Croatia gần nhất. Chỉ có 2 cái tên là xuất hiện xuyên suốt mà thôi: Harry Kane và Raheem Sterling.
Harry Kane là thành phần không thể thiếu của tuyển Anh thời đại này, khi anh là tay săn bàn số 1 của Tam sư. Còn Sterling thì sao? Đó là cái tên đang gây tranh cãi nhất, là nỗi ám ảnh thực sự, là một lằn ranh mơ hồ giữa tài năng và vô dụng, là người mà bây giờ, đại đa số người hâm mộ Tam sư đều nghĩ rằng anh chỉ nên là dự bị cho thế hệ trẻ đang nổi lên như cồn.
Gareth Southgate có sử dụng Sterling đá chính hay không, đó đang là câu hỏi lớn. Nếu ông sử dụng anh, ông sẽ đặt anh ở vị trí nào? Tiền đạo lùi bên cạnh Harry Kane như bán kết World Cup 2018 hay như một cầu thủ chạy cánh phải như trận hoà 0-0 ở UEFA Nations League? Hay ông lại để anh đá một tiền vệ tấn công cánh trái như trận thắng Croatia 2-1 cũng ở UEFA Nations League, khi mà ông thử nghiệm 4-4-1-1?
Nhiều ý kiến cho rằng vị trí thích hợp nhất với Sterling lúc này là ghế dự bị
Trong 2 sơ đồ mà Southgate đang ưa thích lúc này là 4-2-3-1 và 4-3-3 có thể linh hoạt chuyển thành 3-4-3 tuỳ tình thế, vị trí nào sẽ dành cho Sterling đây? Sau lưng Kane trong 4-2-3-1 để khi Kane lùi lại như thói quen thì Sterling sẽ dâng lên đảm nhận vai trò mũi nhọn? Hay là vai trò tấn công ở biên trái, như anh vẫn đá ở Man City, với xu hướng cắt vào vòng cấm và dứt điểm bằng chân phải? Còn vị trí bên biên phải, nơi Sterling sẽ được yêu cầu xuống đáy biên nhiều hơn để trả ngược bóng ra? Những câu hỏi ấy cho thấy có thể dùng Sterling rất đa dạng nhưng nó cũng để lại thêm một câu hỏi khác. Đó là chúng có hiệu quả như là những lựa chọn tối ưu nhất hay không?
Phải nói thẳng, ở từng vị trí ấy, Sterling đều không tốt hơn những đồng đội cạnh tranh vị trí với mình. Sau lưng Harry Kane ư? Sterling không thể bằng Mason Mount, Jadon Sancho, Jack Grealish. Bên cánh trái thì sao? Việc Sterling không thể giành vị trí chính thức ở Man City trong cuộc đua với Phil Foden đủ nói lên tất cả. Và đó cũng là chỗ mà Marcus Rashford còn sừng sững đó như một phương án đảm bảo khả năng săn bàn sắc bén hơn. Và cuối cùng là cánh phải? Đó là vị trí mà Sterling rất ít đá và nó cũng là cánh mà Saka và Jadon Sancho khiến người ta an tâm hơn nhiều.
Có sử dụng Sterling hay không, đó là câu hỏi rất khó. Dũng cảm gạt anh lên băng ghế dự bị, nếu gặt hái kết quả tốt, Southgate sẽ vượt qua được búa rìu truyền thông sẵn sàng bủa vây mình. Báo chí Anh là vậy. Họ có thể chạy những bài viết nói rằng đa số (cả người hâm mộ lẫn chuyên gia) muốn Sterling nên dự bị để cơ hội cho lớp trẻ nhưng chỉ cần thất bại thôi, ngay ngày hôm sau họ sẽ lôi việc ấy ra như một bằng chứng để kết án HLV của mình còn non tay.
Liệu Southgate sẽ gạt bỏ Sterling khỏi đội hình chính?
Áp lực ấy lớn vô cùng. Nó lớn đến mức chính những HLV người nước ngoài, vốn dĩ có thể lấy lý do ngôn ngữ để tảng lờ báo chí Anh cũng không vượt qua nổi.Gareth Southgate rõ ràng đã thổi vào Tam sư một tinh thần mới nhưng thật ra thành tích của ông vẫn chỉ là một số 0. Mà với giới chuyên môn nước Anh, thế hệ trong tay họ lúc nào cũng như vàng và việc không đạt được thành tựu nào với thế hệ vàng ấy chính là tội ác.
Nếu so sánh các cầu thủ con cưng có kỹ thuật tốt, có sức sáng tạo của bóng đá Anh nhiều thập niên qua, chúng ta có thể thừa nhận rằng những Foden, Mount đủ tầm để được so sánh cùng những Gascoigne, Joe Cole ngày nào. Họ chính là đại diện của một nền bóng đá Anh đã đổi mới, hướng tới sự mềm mại hơn. Và họ xứng đáng hơn một cựu binh “lẫy lừng trên báo nhưng láo nháo trên sân” như Sterling.
Dám gạt bỏ Sterling là dám gạt bỏ nỗi ám ảnh. Và đêm nay, Southgate sẽ cho ta thấy, nỗi ám ảnh ấy có còn?
Và nếu Sterling ra sân từ đầu mà Anh không thể vượt qua Croatia, đừng vội coi đối thủ mạnh với một Modric tài năng là nỗi ám ảnh. Modric 35 tuổi rồi. Nỗi ám ảnh. nhiều khi, đến từ chính bản thân mình mà thôi.
- Tin bóng đá -