Lúc này, PSG và Barcelona đang là hai thái cực về cảm xúc. Ở Barca là nỗi buồn còn ở PSG là niềm hân hoan đón chờ một huyền thoại sẽ bước vào Công viên của các Hoàng tử…
Những cules hoài niệm đang vét dần những chiếc áo số 10 cuối cùng của Barca, với tên Messi gắn trên đó, ngõ hầu mong giữ lại một chút gì sót lại cuối cùng của một huyền thoại, một vị Vua của Nou Camp, một cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thế giới mà La Masia hãnh diện tạo nên, một người mà có lẽ trăm năm nữa chưa chắc có cầu thủ nào vượt qua được những đỉnh kỷ lục mà anh đã tạo lập trong màu áo CLB.
Những Parisien thì lại ở tâm trạng khác. Tháp Eiffel đã được thuê đứt cho sự kiện ra mắt Lionel Messi. Trước cửa hàng của họ ở Parc des Princes, ở Champs Elyssees… ở đó đây trên thế giới đã bắt đầu có những ủng hộ viên chờ đợi sẵn để mua tấm áo mới nhất của CLB, với dòng tên Lionel Messi sau lưng, cùng số áo (rất có thể) là 19. Messi không lấy lại áo số 10 dù Neymar có ý nhường. Anh dùng số áo đầu tiên của mình ở Barca, số 19, như một sự khởi đầu, như một hồi sinh.
Tháp Eiffel đã được thuê đứt cho sự kiện ra mắt Lionel Messi
Tất cả những chi tiết này càng khiến ai yêu Barca cảm thấy đau lòng hơn. Họ sẽ dồn mọi giận dữ lên những ai đây? Tebas, chủ tịch La Liga, người mà theo quan điểm của họ, đã cứng nhắc đến độ không thể có một điều chỉnh trần ngân sách lương giúp La Liga giữ chân một thiên tài. Hay “đám” Griezmann, Coutinho, những kẻ không chịu rời khỏi CLB để Messi có thể được ở lại? Và chắc chắn, họ sẽ nhìn vào câu chuyện lượng áo bán ra của mấy ngày hôm nay để đặt một câu hỏi “Giữ Messi có thể khiến Barca tốn 100 triệu euro trong 5 năm nhưng song song đó, Messi cũng mang lại doanh số cho Barca đủ để bù đắp lại khoản 100 triệu euro nhỏ nhoi ấy chứ?”.
Sự thực luôn mang sức nặng lý trí, như một cú đấm thép khiến cảm xúc con người bật ngửa ra vì choáng váng. Nếu Messi còn là một bài toán, một hạng mục đầu tư mà tự thân nó có thể cân bằng thu-chi, Laporta không dại gì chấm dứt hợp đồng với anh cả. Laporta là một doanh nhân cực giỏi. Nói không ngoa, nếu phải bình chọn top 5 chủ tịch CLB xuất sắc nhất thế giới bóng đá đương đại, Laporta xứng đáng có 1 vị trí ở nhóm ấy bên cạnh Perez của Real Madrid. Chắc chắn, ông sẽ cứu Barca khỏi khủng hoảng tài chính này nếu cho ông đủ thời gian và cules đủ kiên nhẫn nếu đội bóng có 1 hay 2 mùa chưa ưng ý lắm.
Sự thực về bài toán Messi là gì? Mức lương ở hợp đồng gần nhất mà anh ký với Barca và mức lương thực tiễn trong thoả thuận giữa anh với Barca (đã đổ vỡ) là không khác nhau mấy. Lương của Messi là 40 triệu euro/mùa nhưng thực tế, Barca đã phải trả cho Messi nhiều hơn thế. Theo Forbes, mỗi năm, cả lương và thưởng (được gọi là thu nhập thể thao hay thu nhập ra sân) của Messi lên tới 82,5 triệu euro, góp phần đưa anh lên hạng thứ 2 trong tốp các VĐV thể thao có thu nhập cao nhất thế giới.
Lợi ích tài chính của một số cầu thủ cho CLB của họ
Với thu nhập từ Barca lên tới 82,5 triệu euro ấy, Messi mang lại lợi ích tài chính nào cho CLB? Doanh thu ngoài thể thao của Messi (quảng cáo, bán áo đấu, bán vật phẩm lưu niệm…) của anh năm 2020 là 27,2 triệu euro. Như vậy, cứ cho là hợp đồng giữa Messi với Barca mang lại cho Barca 50% doanh thu từ hình ảnh Messi đi, số tiền Barca thu được từ Messi cũng sẽ là 27,2 triệu euro. Nếu mang con số ấy để so sánh với 82,5 triệu euro mà Barca phải trả cho anh, hạng mục đầu tư này khiến Barca lỗ 55,3 triệu euro.
Đó mới chính là thứ thúc đẩy Laporta đi đến một quyết định được cho là dị thường. Nhưng nó là quyết định đúng đắn bởi thứ luôn cần được bảo vệ là Barcelona chứ không phải một cảm xúc cần được nuông chiều của ủng hộ viên. Đặc biệt, chuyện Messi giải nghệ cũng chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Trong rủi ro này, Laporta không nhìn thấy được cơ hội lớn cơ bản vì thời gian còn lại cho Messi thực tế là không còn nhiều.
Ronaldo là cầu thủ đem lại mức lợi ích tài chính khủng nhất cho CLB
Câu chuyện cân bằng giữa lương thưởng và doanh thu ngoài thể thao của một hạng mục siêu sao này cũng từng là bài toán mà Perez phải tính. Ông đẩy CR7 sang Juve cũng vì muốn quân bình lại tài chính cho CLB. Mà CR7 là ai? Tuy anh chỉ đứng thứ 3 trong số các VĐV kiếm nhiều tiền nhất trên thế giới nhưng anh lại có doanh thu ngoài thể thao khủng hơn Messi rất nhiều. Năm 2020, Ronaldo kiếm 40 triệu euro từ hình ảnh của mình. Một người cáo già như Perez lẽ nào lại để mất một mảng doanh thu ngon như vậy ư? Không bao giờ. Ông ta chỉ buông tay khi không nhìn thấy lãi.
Và bây giờ, bài toán đã thuộc về PSG. Với mức lương PSG đề nghị cho Messi là 40 triệu euro/mùa, chắc chắn tiền thưởng mỗi mùa cho anh cũng khó có thể thấp hơn những gì anh được hưởng ở Barca trước đây. PSG sẽ “bán” Messi theo cách nào đây? Câu trả lời nằm trong tệp khách hàng của họ và nếu họ không tin vào khả năng mang lại lợi ích của Messi, chắc chắn họ sẽ không dấn thân vào một thương vụ tốn kém như thế làm gì.
Hà Quang Minh