Bỉ là thuốc thử mạnh nhất cho Ý kể từ đầu giải tới giờ. Nhưng với những gì Ý đã và đang có trong tay, có lẽ nên nói sớm “Vào bán kết thôi, Azzurri”…
“Sogno” (giấc mơ) có lẽ là từ có mật độ sử dụng nhiều nhất của tờ Gazzetta dello Sport kể từ đầu EURO 2020 đến giờ. Nhưng có lẽ, nó không chỉ là một sở thích dùng từ đơn-riêng của một tay bút nào đó, của một ấn bản báo chí, mà là của tất cả những người Ý.
Sáng 02/07, trang 9 tờ báo ấy cũng giật cái tít “Un sogno da bambini” (Giấc mơ trai trẻ). Và nó làm người đọc sực nhớ tới lý do tại sao 3 năm trước láng giềng của Ý lên ngôi vô địch World Cup. Trong một đội hình mà tuổi đôi mươi chiếm đa số, và trở thành những lá bài chủ lực, cái khát vọng của tuổi trẻ là thứ nuôi dưỡng linh hồn của một đội bóng. Pháp 2021 này mất đi cái khát vọng của những gã trai trẻ chả có gì trong tay và thay vào đó là sự khệnh khạng của những ngôi sao số 1 thế giới. Còn Ý? Họ bây giờ mới là những kẻ chẳng có gì trong tay.
Khi không có gì trong tay, người ta liều lĩnh, song lại thận trọng. Nghe thì phi lý nhưng nó đúng với mọi chúng ta chứ không chỉ với Azzurri lúc này. Liều lĩnh khi họ đối diện các đối thủ, không một nỗi sợ bởi có cái gì để mất đâu. Nhưng thận trọng là bởi họ hiểu giá trị của tuổi trẻ cho họ sức mạnh gì nên họ nâng niu từng cơ hội có được để không bỏ lỡ một hào quang đang lộ diện rõ dần trước mắt.
Mancini đang phân vân 4 vị trí và nói thẳng, dù phân vân đấy nhưng chẳng có gì đáng để lo ngại cả. Khi phân vân vì chấn thương, vì thẻ phạt, người ta cân nhắc về chất lượng chênh lệch giữa chính-phụ, và đó là phân vân nhuốm màu lo lắng. Còn khi phân vân về chuyện chất lượng đồng đều tới mức khó phân biệt chính-phụ, đó là cái phân vân tích cực của kẻ toan tính chuyện đường dài.
Acerbi hay Chiellini? Giữa hai lão tướng lão luyện này Mancini đang nghiêng 55% về phía Chiellini vì khả năng lãnh đạo, khả năng dứt điểm không chiến cố định. Nhưng phải thừa nhận, khi Chiellini vắng mặt, Acerbi đã chơi quá tốt. Có nên xáo trộn không? Đó vẫn là một câu hỏi dù cho xáo trộn ấy không ảnh hưởng đến chất lượng đội hình.
Acerbi hay Chiellini?
Locatelli hay Verratti cũng là câu hỏi khác mà 70% nghiêng về Verratti bởi kinh nghiệm dạn dày của anh. Nhưng Locatelli vẫn là một đột biến bí ẩn mà Mancini không thể bỏ qua. Rồi còn Pessina và Barella nữa? Mancini lúc này y hệt như một ông chủ ngựa đua mà trong tay mình có toàn những chiến mã sung sức nhất và sự ưu ái luôn được san sẻ rất đều.
Chỉ có một phân vân có thể sẽ tạo ra bước ngoặt: Chiesa hay Berardi? Khả năng kiến tạo của Berardi tốt hơn Chiesa nhưng ngược lại, Chiesa đang cho thấy sự thính nhạy của một tiền đạo mà Ý đang rất cần. Nhiều khả năng, ông sẽ dùng Chiesa bởi lẽ vòng loại trực tiếp là câu chuyện của tình huống nhiều hơn là câu chuyện của lối chơi. Đôi khi, chỉ cần 1 tình huống được giải quyết tốt thôi cũng đủ để an bài trận đấu dù cho cả trận lối chơi không thực sự thuyết phục.
Nhưng đó mới chỉ là phần thuộc về chủ quan. Về khách quan, phải nhìn nhận Bỉ là đối thủ như thế nào để từ đó định lượng khả năng vào bán kết của Azzurri. Và về Bỉ, không có gì để nhận xét tổng thể một cách khác hơn được là “họ đang là đội bóng có đội hình mạnh nhất trong số 8 đội còn sót lại”.
Nhưng Bỉ với một đội hình mạnh nhất không có nghĩa Bỉ là đội mạnh nhất. Thứ đáng tiếc đối với bóng đá Bỉ mấy năm gần đây chính là họ không có một HLV ở tầm vóc chinh phục đỉnh cao. Roberto Martinez như một người thợ cả lành nghề hơn là một nhà tạo tác. Và thế hệ Eden Hazard, Kevin de Bruyne nay đã 30 tuổi rồi. Khả năng một thế hệ vàng không danh hiệu đang ám ảnh Bỉ hơn bao giờ hết.
Kevin de Bruyne vẫn bỏ ngõ khả răng ra sân đêm nay
Kể từ đầu giải, chúng ta thấy rất rõ luôn có 2 đội Bỉ tồn tại: Bỉ có de Bruyne và Bỉ vắng de Bruyne. Khả năng độc lập tác chiến của Lukaku là miễn chê nhưng ở thời đại bóng đá mà khoa học chiến thuật đã được nâng tầm như hôm nay, chuyện 1 ai đó độc lập tác chiến mang lại chiến thắng cho cả đội là không tưởng. Ngay cả một Messi hay một Benzema “gánh team” ở Barca và Real cũng vẫn phải cần có người tiếp đạn để gánh được cái gánh trọng trách ấy. Và kết cục của họ là gì? Vâng, để Atletico lên ngôi vô địch La Liga.
Khi có Kevin de Bruyne, các đường chuyền của anh mở ra những con đường sáng nước hơn hẳn cho Bỉ. Lukaku cũng không đơn độc nữa và anh có đối tác để phát huy khả năng độc lập tác chiến của mình. Nói không ngoa, Bỉ có Kevin de Bruyne mà được 10 trên thang điểm 10 thì khi vắng anh, Bỉ chỉ còn 6 điểm mà thôi.
Khi không có Kevin de Bruyne, lên bóng của Bỉ dựa rất nhiều vào bên trái, với sự phối hợp giữa Vertonghen và Thorgan Hazard. Thực sự, Thorgan Hazard đã thoát hẳn ra khỏi cái bóng của anh trai mình ở EURO này. Anh có thể không lắt léo như Eden nhưng anh hiện đại hơn. Thorgan chơi ít chạm, tốc độ, bền bỉ và có những cú tỉa sát thủ hơn anh trai mình nhiều. Nói không ngoa, Bỉ 2021 này có thể vắng Eden Hazard nhưng không thể thiếu Thorgan Hazard.
Nhóm phối hợp hữu hiệu nhất của Bỉ luôn là nhóm Vertonghen - Thorgan Hazard - Witsel - Kevin de Bruyne (hoặc Eden Hazard). Tứ giác này tạo thành một uy lực ở phần biên trái - nội biên trái của Bỉ. Và đa số các cơ hội nguy hiểm mà Bỉ tạo ra cũng ở khu vực này. Còn ở phía phải, tấn công của Bỉ gần như là “lác đác”.
Thorgan đang tạo ra một làn gió mát rượi cho cánh trái của Bỉ ở kỳ EURO này
Ý không khó để đối diện tứ giác này khi họ tổ hợp các nhóm trên sân rất tốt. Giovani di Lorenzo có thể được coi là một phát hiện rất mới của EURO 2020 khi chúng ta chưa thấy một hậu vệ phải nào chơi tốt hơn anh tính tới lúc này. Di Lorenzo và Jorginho, Bonucci, Barella luôn giữ một cự ly cực tốt với nhau và có xu hướng nếu không phong toả để đoạt lại được bóng, họ đẩy cuộc chiến ra càng sát rìa biên càng tốt. Ở đó, chắc chắn trong một không gian quá hẹp, đối thủ có là Messi đi nữa thì cũng phải bó tay thực sự.
Đến đây thì mới lộ rõ tại sao Mancini băn khoăn giữa Chiesa và Berardi đến thế. Nếu dủng Berardi, tổ hợp tứ giác phòng vệ nửa phải kia luôn có sự hỗ trợ rất tốt nhờ vào lối lui về tạo áp lực từ sau lưng của Berardi. Nhưng nếu dùng Chiesa, Ý lại tận dụng được khả năng phản công nhanh ở biên này khi Di Lorenzo hay Barella thường có những cú xẻ tốt và kịp thời ở nội biên sau khi tổ chức đoạt lại được bóng.
Nói chung, trước Bỉ không quá bí ẩn, Azzurri có nhiều phương án sẵn để đối phó. Bởi thế, chúng ta mới nói “vào bán kết thôi, Azzurri” là thế. Nhưng bóng đá luôn có những bất ngờ của nó (tất nhiên là vậy) nên dù gì đi nữa, cũng khó có thể gạt bỏ nỗi lo về hai chữ “tình huống”. Đúng, nếu đúng theo toan tính và lý thuyết, Ý sẽ vào bán kết (thậm chí đi thẳng tới ngôi vô địch) nhưng thứ cản chân họ có thể là tình huống, kiểu như một pha phối hợp De Bruyne - Lukaku tạo ra bàn thắng duy nhất trong một trận Bỉ chơi không cuốn hút gì. Mà một khi tình huống kiểu ấy đã xảy ra, nó có nghĩa là định mệnh đã gọi tên.
Khi định mệnh đã gọi tên, khó ai có thể trách cứ gì. Còn bây giờ, “Sogno” cứ là “Sogno” cái đã. Azzurri, vào bán kết thôi, chờ gì!!!
Hà Quang Minh
Web thể thao 247 & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.