Saul Niguez và chuyện cường độ chơi bóng tại Premier League

Saul Niguez là một cầu thủ giỏi, quá khứ trong màu áo Atletico Madrid đã chứng minh. Thời gian sẽ trả lời liệu Saul có tái hiện được lại những phẩm chất từng giúp anh nằm trong tầm ngắm của nhiều ông lớn châu Âu trong những mùa chuyển nhượng trước đây hay không. Cũng như, thời gian sẽ mang đến đáp án rằng liệu Saul có phù hợp với môi trường bóng đá Anh hay không. 

Sự đa năng và không nề hà là thứ từng làm nên tên tuổi Saul Niguez trong màu áo Atletico Madrid. Anh có thể không giỏi xuất sắc một khoản nào, nhưng giỏi đều ở những vị trí và trọng trách được giao. Song, cùng vì sự đa năng ấy mà Saul muốn rời Atletico, như những gì cầu thủ người Tây Ban Nha từng chia sẻ trong một cuộc trò chuyện cùng streamer nổi tiếng Ibai Llanos. Saul muốn một vị trí cố định trong đội hình Los Rojiblancos, đó lại là thứ mà Diego Simeone không thể hứa hẹn. Thế là cuộc chia tay diễn ra, đưa Saul đến với Chelsea.

Sự đa năng ấy cùng những bộ kỹ năng của Saul có lẽ đã được phân tích và mổ xẻ nhiều suốt thời gian qua. Điều đó không có gì để chê trách hay phản biện. Tuy nhiên, bản thân những người làm phân tích chiến thuật và dữ liệu cũng luôn hiểu rằng, giá trị hướng đến của những bản phân tích là mang tính chất tham khảo, giúp mở ra một cái nhìn về những gì đã diễn ra trong quá khứ. Đến cả những mô hình dự báo hay ky vọng trong tương lai cũng có lúc bị “bẻ cong”, bởi bóng đá là một trò chơi đầy những biến số và kết quả luôn chịu nhiều sự tác động. Gần như trong bất kỳ những dữ liệu đánh giá nào ngày nay của bóng đá cũng luôn được “hiệu chỉnh” (adjusted) dựa trên tỷ lệ kiểm soát bóng. Giả sử, nếu không có sự điều chỉnh đó, một cầu thủ phòng ngự giỏi của một đội bóng luôn thường xuyên tạo ra thế áp đảo về tỷ lệ kiểm soát bóng và cơ hội tấn công, khó lòng có thể mang ra so sánh với một cầu thủ phòng ngự tương đương nhưng chơi cho một đội bóng luôn ở thế cửa dưới và thường xuyên lâm vào thế trận phòng ngự. Chính vì thế, possession-adjusted (hiệu chỉnh dựa trên kiểm soát bóng) là điều gần như bắt buộc để mang đến những thông số so sánh có độ chính xác cao hơn. Bằng không, là khập khiễng và không phù hợp bối cảnh. Khoa học dữ liệu và thống kê trong bóng đá đã, đang và sẽ ngày càng phát triển, để mang đến những thước đo và mô hình đánh giá chính xác, đầy đủ hơn nữa. Đó là thứ không thể phủ nhận và xứng đáng nhận được sự quan tâm hơn nữa trong dòng chảy bóng đá ngày nay. Sự thành công của Liverpool với công lao không hề nhỏ của bộ phận phân tích dữ liệu là một minh chứng đủ sức nặng để khẳng định như vậy. Tuy nhiên, bóng đá sẽ luôn tồn tại những phạm trù không thể kiểm soát và không thể đo lường được.

Chính vì thế, một cầu thủ giỏi ở một đội bóng A, ở một nền bóng đá X, không bao giờ luôn luôn có nghĩa rằng anh ta cũng sẽ thành công ở một đội bóng B hay một nền bóng đá Y khác. Yếu tố môi trường luôn mang đến những “độ chênh” nhất định và ảnh hưởng không hề nhỏ đến sự thành bại của một cầu thủ chuyển từ đội bóng này sang đội bóng khác. Nói ngắn gọn, vấn đề nằm ở sự thích ứng. 

Đó là sự thích ứng ở nhiều mặt: văn hóa, ngôn ngữ, thời tiết, phong cách chơi bóng, thói quen thi đấu, sự kết dính với các đồng đội mới, cách điều binh khiển tướng của người huấn luyện,… Có quá nhiều thứ không thể “phân tích” và số hóa được. Cũng từ vấn đề thích nghi đấy, việc đánh giá hay phê bình về một cầu thủ thường dẫn tới những cái nhìn không thấu tình đạt lý. Có những thứ chúng ta dễ dàng quên đi, trở thành một sự dối lừa của ánh sáng, “trick of the light”.

Một bài học vốn đã cũ kỹ: Trong bóng đá, sân khấu để tỏa sáng quan trọng như chính trình độ của người diễn. Những cầu thủ sẽ chỉ có thể phát triển hoặc tài năng được tỏa sáng nếu được đặt vào một môi trường thuận lợi, phù hợp; đúng người, đúng thời điểm quan trọng như chính nền tảng tài năng của cá nhân ấy. Bài học thứ hai, khi nhận thức có thể dễ dàng sai lệch dựa trên hoàn cảnh: Một cầu thủ thất bại ở một đội bóng A, không luôn luôn có nghĩa rằng anh ta cũng sẽ thất bại ở một đội bóng B, và ngược lại. Vì thế, cũng đừng buông lời cay đắng rằng một cầu thủ chỉ giỏi ở một nơi sẽ không bằng một cầu thủ luôn giỏi ở mọi nơi. Có những cá thể sinh ra được dành cho một thứ duy nhất.

Câu chuyện về sự thích ứng của Saul Niguez tại Chelsea, tại Premier League cũng như vậy. Một cầu thủ mới chỉ ra sân có vỏn vẹn 46 phút trong màu áo đội bóng mới hoàn toàn chưa phù hợp để đánh giá và kết luận điều gì. Một cầu thủ đã chơi bóng trong cả sự nghiệp ở Tây Ban Nha và lần đầu đặt chân đến một nền bóng đá mới, hiển nhiên sẽ có hàng tá thứ phải tập làm quen, như đã nói. Một trong số đó, là cường độ chơi bóng. Vòng vo mãi cuối cùng mới tới trọng tâm vấn đề là đây! Chúng ta hãy chỉ nói về cường độ chơi bóng. Thomas Tuchel từng “quăng” Romelu Lukaku vào sân ngay từ đầu và để anh ta đá trọn 90 phút trong trận đấu ra mắt ở lần trở lại, trước Arsenal, mà không có bất kỳ lời chỉ dẫn nào. “Tôi không có bất kỳ yêu cầu, lời khuyên hay chỉ dẫn cụ thể nào dành cho Lukaku. Tôi muốn xem cậu ấy tự mình thể hiện năng lực và khả năng ứng biến của mình như thế nào,” Tuchel đã nói như vậy sau trận đấu với Arsenal ở Premier League, trận đấu mà Lukaku đã tỏa sáng. Và cũng chính HLV người Đức đã tung Saul Niguez vào sân ngay từ đầu trong trận đấu gặp Aston Villa. Tuchel có thể có hoặc không đưa ra những yêu cầu hoặc chỉ dẫn đối với tiền vệ người Tây Ban Nha, điều ấy chúng ta không được biết và ông cũng không đề cập đến. 

Chỉ có điều, kết quả mang lại trái ngược với câu chuyện của Lukaku. Saul ngày hôm ấy phạm lỗi 3 lần, để mất bóng 8 lần, thắng tranh chấp tay đôi 0/7 lần, và 1 lần mắc lỗi dẫn đến pha dứt điểm của đối phương. Tất cả diễn ra trong đúng 46 phút trên sân của hiệp 1 trước khi anh được thay ra ngay đầu hiệp 2.

Sau trận đấu đó, Tuchel có nói như sau: “Cậu ấy mắc một số sai lầm nghiêm trọng ở khâu chuyền bóng. Tôi nghĩ có thể cậu ấy sẽ ngay lập tức đáp ứng yêu cầu đề ra, thế nên trách nhiệm hoàn toàn thuộc về tôi. Saul gặp khó khăn trước cường đồ chơi bóng và chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy là cậu ấy chưa thật sự thích nghi được.”

Trước khi vội đánh giá tiếp điều gì, hãy nghe phát biểu gần nhất của Tuchel về Saul: “Chúng tôi không hề nghi ngờ năng lực hay chất lượng của Saul. Cần mất một chút thời gian để cậu ấy hòa nhập. Ở tầm tuổi này của Saul, không có gì phải quá lo lắng cả. Quan trọng là cậu ấy tự tin.” Vấn đề nằm ở cường độ chơi bóng như Tuchel đề cập.

Lại nói chuyện thông số một chút.
 

Thống kê dữ liệu từ Opta cho thấy, xét trong 5 giải đấu hàng đầu của châu Âu, quãng thời gian thực tế bóng vào cuộc trên sân ở LaLiga đứng ở mức thấp nhất, khi thời gian bóng được “chơi” chỉ là 50 phút 57 giây trên tổng 90 phút trận đấu. 

Nói cách khác, quãng thời gian bóng ngoài cuộc, đến từ việc thay người, chờ thủ môn phát bóng, cầu thủ nằm sân, cầu thủ tranh cãi với nhau và với trọng tài,… của LaLiga là nhiều nhất. 

“LaLiga là giải đấu có tiết tấu chậm nhất châu Âu, với quãng thời gian bóng lăn thực tế ít nhất. Các khán giả muốn những show bóng đá chất lượng, nhưng chúng ta đang không mang đến điều đó. Quá nhiều thời gian bị phung phí, quá nhiều những pha ăn vạ nằm sân. Chúng ta ở giải đấu này cần phải nỗ lực hơn nữa, từ các trọng tài, các HLV cho đến các cầu thủ.”

Manuel Pellegrini, người từng huấn luyện ở nhiều nền bóng đá khác nhau, từ Nam Mỹ, Tây Ban Nha, cho đến Anh và hiện đang dẫn dắt Real Betis, hồi tháng 8 vừa qua từng than phiền như sau: 

Kết quả cho thấy, Premier League là giải đấu có nhiều pha di chuyển cường độ cao nhất xét trên tổng quãng đường di chuyển của các cầu thủ trong mỗi 90 phút. Cụ thể, với trung bình tổng quãng đường di chuyển của các cầu thủ trên sân mỗi 90 phút là 10.071 mét, giải đấu cao nhất nước Anh chứng kiến 7,82% các pha di chuyển cường độ cao (tức là trên 19,8km/h). Đứng thứ hai là giải vô địch quốc gia Ba Lan (7,81%), thứ ba mới là LaLiga (ở mức 7,75%). 

Rõ ràng, mức chênh lệch giữa LaLiga và Premier League xét ở hạng mục so sánh về cường độ các pha di chuyển tốc độ cao là không lớn. Nhưng LaLiga vẫn thấp hơn Premier League. Giờ, hãy nói về trải nghiệm cá nhân thay vì những con số. Trong một bài viết trên tờ The Athletic, cựu tiền vệ của Barcelona và Man City là Yaya Toure từng kể lại những ấn tượng đầu tiên anh trải qua khi đến Premier League thi đấu, ngay sau khi chia tay LaLiga, như sau: “Khi bạn chơi bóng ở Anh, cường độ chơi bóng, nhất là ở hàng tiền vệ, có thể khiến bạn cảm thấy hốt hoảng. Các cầu thủ Anh luôn luôn ập vào bạn từ mọi hướng mỗi khi bạn có bóng. Họ ập vào bạn rất nhanh và tìm cách húc bay bạn, nhất là trong những phút đầu trận, gần như khiến bạn phải phát sốc và thử xem phản ứng của bạn như thế nào.”

Tiền vệ người Bờ Biển Ngà nói tiếp: “Ở Tây Ban Nha, mỗi khi tôi nhận bóng từ hậu vệ, tôi cảm giác mình có đến gần 10 giây giữ bóng trong chân. Còn ở Anh, trước các cầu thủ Anh, tôi có ít thời gian hơn, có lẽ chừng 3 giây trước khi ai đó tìm cách đoạt nó khỏi chân tôi. Quãng thời gian đầu ở Man City, tôi gặp đôi chút vấn đề. Cứ mỗi khi nhận bóng thì liền một phát, đối phương ập vào từ phía sau khiến tôi để mất bóng.”

Thế nên, xuất phát từ cường độ chơi bóng cao ở Premier League, Yaya Toure quyết định cải thiện khâu thể chất của bản thân bằng cách phát triển… cơ mông. Phần mông săn chắc, to khỏe là cách giúp anh có thể trụ vững trước sức va đập từ đối thủ. Mùa giải này, những Ole Gunnar Solskjaer hay Jurgen Klopp cũng đã có lúc “phát hoảng” và ca thán trước những tình huống trọng tài không thổi phạt các pha vào bóng của cầu thủ đối phương với những học trò của họ. Solskjaer thậm chí còn ví von đấy không phải là bóng đá, mà là rugby. Tóm lại, bất kỳ một cầu thủ nào khi đặt chân đến một nền bóng đá mới đều sẽ cần có những thứ phải học làm quen và thích nghi. Trong đó, xét ở khía cạnh chuyên môn, là hòa nhập với cường độ chơi bóng, nhất là một cầu thủ chuyển đến Anh thi đấu.

Dẫu vậy, có một phân tích khác phần nào cổ vũ cho trường hợp của Saul. Một phân tích dựa trên mẫu đánh giá là tất cả những cầu thủ chuyển nhượng tính từ mùa 2017/18 đến nay trong 5 giải đấu hàng đầu của châu Âu, chỉ ra những khác biệt ở các thông số ghi bàn và kiến tạo kỳ vọng của một cầu thủ chuyển từ một giải đấu này sang giải đấu nọ. Theo đó, trung bình những cầu thủ từ Serie A, Ligue 1 và Bundesliga một khi chuyển đến Premier League thi đấu luôn mang đến đầu ra thông số kỳ vọng thấp hơn những gì họ từng có được. Duy chỉ có các cầu thủ từ LaLiga chuyển đến Premier League là có sự gia tăng ở mức đáng kể các thông số này (tăng 12,9%). Nghĩa là, mảnh đất Premier League có thể thử thách các cầu thủ từ LaLgia chuyển đến trong một giai đoạn nào đó, nhưng phần nhiều đều là “đất lành chim đậu”.