đồng hồ
Trang chủ     EURO 2024   /   Nhìn bài đánh - luận anh hùng

Nhìn bài đánh - luận anh hùng

EURO 2020 kẻ khen hay, người bảo dở. Nhưng nói gì thì nói, giải đấu đang tỏ ra vô cùng khó lường với nhiều bất trắc khó lường. Nhận định của giới mộ điệu cũng có thể đúng đó mà sai đó biến thiên rất nhanh đủ để người ta có thể hoài nghi chính năng lực đánh giá của bản thân mình khi đa số các đội bóng đều thể hiện các diện mạo khác nhau ở mỗi lượt trận…

Có thể nói là bất ổn cũng được nếu nhìn vào cách BĐN chơi trước Đức - Pháp rồi sau đó là Bỉ. Cũng có thể nói là thất thường cũng không sao nếu soi chiếu lối chơi của Hà Lan ở từng trận vòng bảng và ở trận thua Czech. Ngay cả Ý, một đội thắng “đều như vắt tranh” cũng không hẳn có sự ổn định thực sự nếu nhìn lại trận họ vất vả thắng Áo. Rất khó có thể lý giải nguyên do, đặc biệt là với các ĐT lớn, với những ngôi sao lớn. Chỉ biết rằng, sự tiệm cận nhau về trình độ cầu thủ ở châu Âu cùng tính phổ quát, phổ cập của chiến thuật hiện đại đã khiến việc kiếm tìm một mạch thành tích tốt nhờ trên phong độ bất biến trong một giải đấu ngắn (tournament) ngày càng trở nên bất khả.

Cựu tuyển thủ Pháp khẳng định: 'cái tôi quá khổ' của Mbappe là vấn đề của Les Bleus

Cựu tuyển thủ Pháp khẳng định: 'cái tôi quá khổ' của Mbappe là vấn đề của Les Bleus Trong một cuộc trò chuyện với RMC Sport, cựu cầu thủ của Paris Saint-Germain, Jerome Rothen cho rằng 'cái tôi quá khổ' của Kylian Mbappe đã trở thành 'vấn đề' đối với Didier Deschamps và tuyển Pháp tại Euro 2020.

Một Les Bleus đáng sợ

Một Les Bleus đáng sợ Pháp vẫn chưa ghi bàn, dù họ đã thắng. Người Đức đã ghi bàn hộ cho Les Bleus. Nhưng chính một Les Bleus ấy lại là một Les Bleus đáng sợ vô cùng.

Một trong những điểm chung nhất mà chúng ta có thể nhận ra chính là các ĐTQG châu Âu hôm nay chơi tương đồng với nhau quá. Gần như không còn một đội bóng nào chơi bóng dài cả. Tất cả đều chơi bóng ngắn và trung bình, chơi ở tốc độ cao, lấy khoa học làm nền tảng và do đó, việc thắng thua dựa cơ bản trên việc tư duy của HLV nào nhạy bén hơn và cầu thủ bên nào tuân thủ kỷ luật hơn kế hoạch đấu pháp được đưa ra mà thôi. Có lẽ, pha dứt điểm từ giữa sân của Schick sẽ là dấu ấn duy nhất còn sót lại của thứ bóng đá phóng khoáng ở EURO kỳ này. Ít đội dám mạo hiểm để chơi một thứ bóng đá mà mục tiêu trình diễn, hưởng thụ vượt trên mục tiêu ý chí chiến thuật.

QUẢNG CÁO

pha dứt điểm từ giữa sân của Schick

Pha dứt điểm từ giữa sân của Schick

Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Cầu thủ cũng chỉ có thời. Và trong những cuộc đua nắm giữ sinh mệnh sự nghiệp của cả một tập thể, nếu không có một HLV am tường dẫn dắt, nếu không tuân thủ một đối sách nghiêm cẩn, nếu lãng phí một cơ hội ngàn vàng, nếu sơ sểnh một khoảnh khắc quan trọng và dẫn tới gục ngã trong bàng hoàng, đó sẽ chính là một tội ác.

Áp lực thành tựu đã khiến bóng đá ngày càng có sự rập khuôn nhau và chúng ta đừng vội vàng chê bai đó là sự nhàm chán. Nếu thích sự khác biệt, tại sao chính bản thân chúng ta không cự tuyệt những tiện ích hiện đại để giữ thói quen cũ, được xem là lãng mạn, mà thay vào đó chạy theo những chiếc iPhone đời mới nhất để làm gì? Các HLV cũng vậy thôi. Họ sẽ có cách là giống nhau, miễn là ra được hiệu quả. Nhưng họ sẽ tìm cách để trong cả một ‘bầy giống nhau kia”, tôi vẫn có thể tách biệt ra bởi một vài khác biệt điểm xuyết mà không đối thủ nào có được. Và thường là, những đội bóng có được sự chỉn chu vốn “đồng điệu” với xung quanh mình nhưng được điểm xuyết thêm các khác biệt mang tính đơn-riêng, đó sẽ là đội bóng có thể đi đến chức vô địch.

EURO 2020 này, tính đến trước vòng tứ kết, chúng ta có thấy rõ các đội bóng chỉ có vài bài đánh phổ biến mà thôi. Gần như chúng ta thấy rất hiếm xảy ra các bàn thắng phối hợp 1-2 ở trung lộ và các đội bóng cũng ít tấn công trực diện ở trung lộ. Gần như toàn bộ dồn vào việc tổ chức dàn xếp lên bóng ở hai biên và nội biên (hành lang trong) bởi đó là khu vực có nhiều cơ hội xuyên phá hơn khi nó nằm ở ngay khe của các hậu vệ.

Chủ yếu, các đội bóng chú trọng vào các điểm đến của tấn công là cột hai. Cách tiếp bóng vào cột hai có thể đa dạng là tạt sớm bóng cuộn vào, căng bóng nhanh, mạnh như dứt điểm từ xung quanh góc xa 16m50 về phía cột 2, đá phạt cố định về phía cột 2, xuống gần sát biên ngang căng bóng như sút về phía cột 2. Tất cả các đòn đánh ấy đều nhằm một mục đích cụ thể: tận dụng tốc độ bóng cao hạ gục đối phương theo hai phương án có thể xảy ra.

Pha đánh đầu của Tomas Holes

Pha đánh đầu của Tomas Holes

Thứ nhất, cầu thủ đồng đội lao vào tiếp điểm chạm một cách đơn giản nhất. Thứ hai, lực bóng căng có thể khiến bóng dội trở lại trung tâm vòng cấm để một cầu thủ khác lao vào dứt điểm trước mặt thành. Lợi ích của lối đánh này còn giữ được cho đội tấn công tính chủ động cao khi bóng dội ra ngoài với lực mạnh như vậy, phe tiếp cận bóng 2 bình tĩnh hơn dễ là phe đang tạo áp lực chứ không phải phe đang chống đỡ.

Một đòn đánh thứ hai được ưa dùng phổ cập chính là xẻ bóng vào nách để đồng đội thoát xuống đáy biên trả ngược về  hướng đối diện để tạo sự đổi hướng đột ngột đối với hàng thủ cũng như thủ thành đối phương. Lối đánh này, người Ý đang có vẻ thuộc bài nhất (Ý thực hiện lối đánh nói ở trên cũng rất tốt). Nếu được thực hiện ở tốc độ cao, mật độ dày các pha đánh này sẽ đủ khiến đối thủ toát mồ hôi và dẫn tới đổ vỡ sớm.

Tất nhiên, không thể không kể tới đòn đánh phản công của các đội bóng nhỏ, nhờ vào sự khéo léo như sóc của các cầu thủ có kỹ năng tốt, điển hình như Sallai của Hungary. Chỉ tiếc là Hungary ra đi quá sớm. Nếu họ còn ở lại vòng 1/8 thì chắc chắn đó sẽ là rắc rối to cho các đối thủ không nhỏ.

Chỉ riêng Pháp và Bỉ là hai đội có thêm các đòn đánh lạ ngoài những đòn phổ thông kể trên. Đó là việc các tiền vệ của họ dàn xếp bóng với nhau ở giữa sân rồi bất thần tạo ra các đường xẻ xuyên tuyến vào hai nội biên để tiền đạo có tốc độ đột phá xuống. Những đòn này dựa trên nhãn quan chiến thuật tuyệt vời, kỹ năng xử lý bóng khéo léo và chuyền bóng chuẩn xác của những tiền vệ. Nhưng nó đòi hỏi tính chính xác phối hợp rất cao khi các đối thủ hiện nay chơi bẫy việt vị quá hay trong khi VAR lại là một công cụ giám sát đắc lực. Đó là lý do tại sao cả Pháp và Bỉ đều không ghi bàn nhiều như kỳ vọng dù họ sở hữu đội hình được coi là “chuẩn chỉnh” nhất ở EURO này.

Pogba với những đường xẻ xuyên tuyến bất ngờ là món vũ khí nguy hiểm của Pháp

Pogba với những đường xẻ xuyên tuyến bất ngờ là món vũ khí nguy hiểm của Pháp

Nhưng nói gì thì nói, còn có một đòn mà người ta gọi là “đòn giời”. May mắn là yếu tố quan trọng vô cùng. Hay nhưng không may thì cũng chỉ ngậm ngùi vẫy chào trong tiếc nuối. Ngay cả những cú sút xa ở cự ly sát vòng 16m50 cũng không hẳn là đòn đánh cụ thể mà nó nhiều khi chỉ là biện pháp cuối cùng hữu hiệu nhất để cụ thể hoá một đợt tấn công nhưng cũng đã nhiều lần các cú sút xa ấy đã tạo nên chiến thắng cho Croatia, Đan Mạch. Ở trong các cú sút ấy, niềm tin của người dứt điểm có lớn đến cỡ nào, chắc chắn họ vẫn phải có 1 phần nghìn giây thoáng qua dành cho cầu nguyện.

Có thể, một thứ bóng đá “công thức” như vậy sẽ dễ làm chúng ta chán. Nhưng hãy nghĩ kỹ đi, để ra được một công thức là đúc kết bao nhiêu năm của bao nhiêu HLV sành sỏi bạc đầu. Ngần ấy năm theo đuổi cho một thứ cần được hoàn thiện, âu cũng nên được xem là nghệ thuật…

Hà Quang Minh

Thethaoso247 & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích