Tuyển Anh đã trình diện một lối chơi như thế nào? Rất nhiều người sẽ nói là tẻ nhạt, không có bài bản rõ ràng. Nhưng cái tẻ nhạt và không bài bản ấy lại đang ở bán kết, và chưa thủng lưới lần nào. Đó có phải là một Tam sư đáng sợ?
Bài của Gareth Southgate ở EURO này là gì? Câu hỏi ấy đang khiến quá nhiều người bối rối. Ngay cả các cựu danh thủ ưa bình luận của nền bóng đá Anh cũng đang trong một băn khoăn lớn đến nỗi không dám nhận định gì quá mạnh miệng. Chê ư? Ngần ấy bàn thắng đã ghi được và là đội duy nhất sạch lưới lúc này thì chê nỗi gì? Khen ư? Khen chỗ nào đây? Thậm khó.
Chỉ có một điểm mà rất nhiều người đều có thể nhận diện được về Tam sư lúc này mà thôi. Đó chính là 15 phút đầu trận, họ luôn ào lên tạo áp lực rất lớn để săn tìm bàn thắng sớm. Có bàn hay không, sau 15 phút ấy, họ bắt đầu đá bình tĩnh trở lại, một sự bình tĩnh khiến khán giả nhiều khi buồn ngủ. Để rồi có những người ngủ thật và khi thức dậy thì bàng hoàng không hiểu sao Anh lại thắng?
Tuyển Anh luôn tạo áp lực rất lớn mỗi khi bắt đầu hiệp đấu
Nhưng chính cái vẻ ngoài “chả có bài gì” của Tam sư đã đánh lừa được rất nhiều người. Hoá ra, Anh đang chơi thứ bóng đá kiểu hư chiêu. Họ chỉ để đối thủ nhận diện mình có sức mạnh nhờ vào một tập thể cầu thủ chất lượng cao và đồng đều. Ngoài ra thì… chấm hết. Không ai hiểu rõ Anh sẽ chơi thế nào. Và khi Anh toàn tung hư chiêu kiểu này, đá với Anh rất khó.
Đội duy nhất có thể đạt mục đích khi gặp Anh chính là Scotland, người anh em đã quá hiểu nhau của Tam sư. Ở một trận cầu mà Southgate xác định điểm yếu của Scotland chính là mặt tiền của thủ thành Marshall, Scotland đã tạo khối quá tốt và ép Anh ra biên mà chơi. Anh bất lực ở khoảng không gian chật hẹp ấy, dẫn tới trận hoà 0-0 và cũng là trận duy nhất mà họ không thể ghi bàn.
Ngoài trận gặp Scotland ra, Anh quả thực đã chơi rất tốt ở 4 trận còn lại. Nhưng cái tốt ấy của họ chỉ thể hiện ra khi chúng ta đặt cả chuỗi trận của Anh vào một hệ thống để soi chiếu chứ không phải tách rời từng trận ra mà mổ xẻ. Tách rời ra, ta sẽ lại thấy ngay đó là một tuyển Anh “chẳng có bài vở gì” nhưng khi hệ thống lại, ta mới giật mình rằng “bài ở chỗ không bài ấy mà ra”.
Southgate xác lập mục tiêu rất rõ là “thắng từng trận một” thay vì đặt ra một cái đích đường dài là phải đến bán kết, chung kết hay vô địch. Cơ bản, việc đi chắc từng bậc thang sẽ giúp một đội bóng leo cao hơn và với Tam sư, trận nào cũng như một trận cầu mang tính “một đi - hai ở” rất rõ rệt. Họ thận trọng, họ quản trị tốt thời gian trên sân trong một kỷ luật mà Southgate đặt ra. Ở giải đấu này, có thể nói, Southgate đã chọn một chiêu rất “Zidane” cho Tam sư. Đó là lối đá mang tính đối phó. Tuỳ đối thủ, Anh sẽ có một đấu pháp thích hợp chứ không xây dựng cứng nhắc trên một bộ khung, một triết lý, một kế hoạch tổng thể. Nói thẳng, Southgate dùng thành tích từng quãng đường ngắn để tạo hiệu quả đường dài.
'Bài' của Southgate được thay đổi tùy theo mỗi trận
Rõ rệt nhất là hai trận vừa rồi. Trước Đức, xác định rõ Đức mạnh về tấn công ở biên và nội biên với Gosens và Kimmich, Southgate sử dụng con người rất hợp lý để khoá chặt hai hành lang ấy. Nổi trội là sự xuất hiện của bộ 3 trung vệ và một Trippier bên biên phải hỗ trợ thêm cho Walker. Còn trước Ukraine, ông lại dùng Sancho, người mà tốc độ, sức mạnh, kỹ thuật đủ để khiến Mykolenko và Zinchenko không thể lên bóng vì nỗi sợ rủi ro từ khoảng trống sau lưng mình sẽ bắt Ukraine trả giá.
Southgate có thể không phải là một dạng chiến lược gia dùng tư duy để cải cách một đội bóng trong một hình thái rõ ràng như Mancini, Pep Guardiola, Jurgen Klopp… nhưng ông lại cải thiện thành tích của đội bóng bằng từng trận cầu có đấu pháp hợp lý. Những HLV kiểu Southgate có thể vĩnh viễn không bao giờ được xem trọng trong quá trình đóng góp sự phát triển về chiến thuật cho nền bóng đá thế giới hiện đại nhưng lại dễ được vinh danh nhờ thành tựu hơn những bộ óc tư duy và cách mạng.
Sau Zidane, có lẽ Southgate là HLV hiếm hoi sử dụng lối hư chiêu hoặc vô chiêu để thắng đối thủ. Tổng thể, họ chẳng có đặc sản nào cả. Kiểm soát bóng ư? Không. Kiểm soát không gian ư? Không. Phòng ngự phản công nhanh ư? Không. Pressing cực đoan từ sân đối phương ư? Cũng không. Chuyển đổi trạng thái nhanh ở không gian cận cầu môn đối phương ư? Càng không. Họ không cụ thể một đặc sản cho đội bóng nhưng trận nào họ cũng mang lại đặc sản riêng để có những chiến thắng mà họ cần.
Chiến thắng vẫn là kim chỉ nam cho niềm tin đặt vào tuyển Anh củaSouthgate
Lối chơi ấy có thể không hay, không thuyết phục người xem nhưng nó sẽ thuyết phục khi đội bóng có thành tích. Sự thực dụng này có lẽ đến từ chính đúc rút những thất bại trong đời Southgate, mà cụ thể là thời ông còn thi đấu. Cả một trận anh đá tuyệt hay chẳng ai nhớ nhưng họ sẽ nhớ mãi nếu anh sút hỏng quả luân lưu.
Southgate không cần cả một giải tuyệt hay. Cái ông cần là không bỏ lỡ “cơ hội kiểu luân lưu”. Điều đó có nghĩa là ông xác lập mục tiêu rất rõ. Đã không lộ diện thì thôi, khi buộc phải lộ diện, hãy lộ diện như một kẻ chiến thắng.
Và Anh vẫn đang chiến thắng. Đó mới là điều đáng nói. Còn chung kết ư? Chúng ta phải chờ xem Southgate đọc bài Đan Mạch ra sao. Đọc chuẩn, Anh có đối sách tốt. Đọc sai, năm sau làm lại từ đầu….
Hà Quang Minh
Thể thao 247 & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.