Khi các đội bóng lớn cùng bại trận: Hiện tượng đáng báo động?"

Chỉ trong vòng 2 ngày cuối tuần, hàng loạt ông lớn châu Âu đồng loạt ngã ngựa. Real Madrid, Bayern Munich, PSG hay Ajax Amsterdam, dù đang chiếm thế thượng phong tại đấu trường quốc nội ngay từ ngày đầu tiên mùa giải và thậm chí duy trì vị trí độc cô cầu bại, đều đã phải nhận những thất bại đầy bất ngờ. Ngay cả một số CLB lớn Premier League như Manchester United hay Chelsea cũng phải rất chật vật mới giành được điểm số. Vậy đây chỉ là sự trùng hợp nhất thời, hay là lời cảnh báo cho hiện tượng đáng báo động chưa nhận nhiều chú ý trong bóng đá?

Điểm chung của tất cả các CLB lớn nêu trên? Họ đều mới trở về sau loạt trận UEFA Champions League đầy căng thẳng giữa tuần. Với trường hợp của cầu thủ Man United hay Chelsea, họ có chưa đầy 72 tiếng nghỉ ngơi sau 90 phút kịch tính trước Villarreal và Juventus, đã lập tức phải ra sân đối đầu với hai đối thủ quốc nội khó chịu là Everton và Southampton. Những đội bóng lớn luôn nhận được nhiều sự chú ý với dàn hảo thủ hàng đầu, nhưng điều này đồng nghĩa với việc thời lượng thi đấu khắp các mặt trận của họ cũng dày lên đáng kể. 

Kể từ sau loạt trận quốc tế đầu tháng 9, gần như tất cả các đội bóng lớn châu Âu đã phải thi đấu 7 trận chỉ trong vỏn vẹn 21 ngày, mật độ trung bình 3 ngày/trận.

PSG là một trong những cái tên lớn thất bại cuối tuần qua

Đó mới chỉ là mật độ thi đấu trên lí thuyết. Đừng quên khoảng thời gian di chuyển, chuẩn bị và phân tích nhắm hướng tới trận đấu, vốn đều cần sự tham gia tiêu tốn về cả thể lực lẫn trí lực của cầu thủ. Nhưng với tần suất dày đặc, cầu thủ đỉnh cao không thể đủ thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục lẫn chuẩn bị bản thân tối ưu. Đã thế, với đòi hỏi ngày càng cao của bóng đá hiện đại, cầu thủ phải chạy nhiều hơn, bứt tốc mạnh hơn, hoạt động năng nổ hơn với quãng đường di chuyển có thể chạm mốc 13km/trận. Sức ép đặt lên cá nhân trong từng trận đấu vốn dĩ đã khủng khiếp, chứ chưa nói tới yêu cầu phải duy trì ổn định trong quãng thời gian dài. Một nghiên cứu được Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro) thực hiện năm 2018 có tên “Ngưỡng giới hạn” dựa trên khảo sát thực nghiệm hơn 16,000 cầu thủ toàn cầu đã đưa ra khuyến nghị về quãng thời gian nghỉ tối thiểu giữa hai trận đấu cho cầu thủ đỉnh cao là 72 tiếng. Đó chỉ là tối thiểu, cơ thể con người cần thời gian lí tưởng là 120 tiếng để hồi phục hoàn toàn khỏi tổn thương cơ bắp (sinh lí) và trạng thái mệt mỏi (tâm lí).

Với sức ép ngày càng gia tăng về số lượng trận đấu và giải đấu ở cả cấp độ CLB và ĐTQG, cầu thủ đỉnh cao phải căng mình thi đấu tại giải quốc gia, cúp quốc gia, cúp liên đoàn, cúp châu lục, siêu cúp khu vực, siêu cúp thế giới, vòng loại của những giải đấu mới lạ mà chẳng ai có thể đoán định được vốn đã nắm sẵn trong két sắt của FIFA và UEFA tại Thụy Sĩ. 

Nhân chứng tiêu biểu nhất cho mật độ thi đấu dày đặc ấy không ai khác ngoài Pedri. Cầu thủ 18 tuổi đã vào sân khoác áo cho Barcelona và các cấp độ đội tuyển Tây Ban Nha tổng cộng 77 lần trong mùa giải 2020-21. Mùa giải của Pedri bắt đầu vào ngày 12/09/2020 tại Barcelona và chỉ chấm dứt với trận tranh huy chương vàng Olympic Games tại Yokohama cách đó nửa bán cầu ngày 07/08/2021. Liên tục, không nghỉ ngơi và phải bay tới những đất nước xa xôi như Nhật Bản, Georgia hay Nga để căng mình bung sức. Thực tế cho thấy, Pedri không phải là nạn nhân duy nhất của lịch thi đấu ngày càng bóc lột thời nay. Đồng đội của Pedri tại Barcelona, Frenkie de Jong là người tích lũy số phút thi đấu nhiều nhất trong toàn bộ số cầu thủ đang chơi bóng tại 5 giải đấu hàng đầu châu Âu ở mùa giải 2020-21. Son Heung-min trong riêng năm 2018 phải thi đấu tổng cộng 78 trận trong màu áo Tottenham Hotspur và các cấp độ ĐTQG Hàn Quốc. Quãng đường di chuyển để Son hoàn tất nghĩa vụ song song ấy là 110,000km, đủ một vòng tròn bao quanh Trái Đất.

Đề xuất về thể thức tổ chức FIFA World Cup với tần suất 2 năm/lần

Lich thi đấu hiện nay là một hệ thống phức tạp đã được đồng thuận và thỏa hiệp bởi nhiều cơ quan điều hành bóng đá khác nhau. Các CLB dù có thể nêu ý kiến, cũng không có quyền lực để thay đổi một khi đã bước vào cuộc chơi. “Sống chung với lũ” là hiện thực bắt buộc giành cho mọi đội bóng. Vậy thì, làm thế nào để “sống” và “sống” bằng cách nào? Toronto Raptors vốn dĩ không phải là một thế lực tại Giải Bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Vị thế của một đội bóng ngoại lai đến từ Canada, cộng với tiềm lực tài chính không giàu mạnh buộc Toronto luôn an phận với vị thế tầm trung. Mọi thứ thay đổi tại NBA 2018-19, khi Toronto trở thành CLB ngoại quốc đầu tiên trong lịch sử đoạt ngôi vô địch giải đấu với sự tỏa sáng của ngôi sao Kawhi Leonard.

Mật độ thi đấu Son Heung-min trải qua trong mùa giải 2018-19

Đáng chú ý, Leonard vắng mặt trong 1/4 số trận vòng bảng phân hạng của đội bóng Canada, vốn nằm trong chủ đích sẵn có dưới cơ chế có tên “Load Management” – “Kiểm soát khối lượng vận động”.

Load Management là phương pháp phổ biến tại NBA nói riêng và thể thao nhà nghề tại Mỹ nói chung nhằm tối ưu hóa phong độ cầu thủ ở giai đoạn quan trọng và đồng thời, hạn chế kiệt quệ thể chất và giảm thiểu rủi ro chấn thương. Chiến thuật này không hề mới lạ và chỉ được riêng Toronto Raptors áp dụng đặc thù với Kawhi Leonard. Các đội bóng coi xoay tua đội hình và cất giữ trụ cột là thực tế hiển nhiên với lịch thi đấu dày đặc khi chỉ riêng giai đoạn vòng bảng phân loại đã bao gồm tới 82 trận với mật độ trung bình 2-3 ngày/trận. Những gì tinh túy nhất cần được bảo toàn cho giai đoạn hạ màn mùa giải, vòng playoff. Nếu đối chiếu với lịch thi đấu bóng đá đỉnh cao tại châu Âu và tính chất của từng giai đoạn mùa giải, chúng ta có thể thấy những sự tương đồng rõ nét.

Đã bước vào cuộc chơi, không ai muốn thua. Nhưng bóng đá đỉnh cao với tính chất thương mại hóa và đòi hỏi ngày càng khắt khe về cường độ hoạt động, làm thế nào để quản lí linh hoạt thể trạng chung của cầu thủ là vấn đề đáng lưu tâm. Không ai coi thường tính chất của các trận đấu thông thường hay đấu cúp quốc nội, nhưng bảo toàn được lực lượng cho giai đoạn nước rút của mùa giải, với những thử thách quyết định tại UEFA Champions League, đó mới nên là ưu tiên thật sự. Manchester City đang là đội bóng thực hiện triệt để chiến lược Load Management, thể hiện rõ nét qua thái độ và kết quả thi đấu trong tuần qua, khi phải đối diện với ba trận cầu đinh đều trên sân khách lần lượt gặp Chelsea, PSG và Liverpool chỉ trong vòng 9 ngày. Sự ưu tiên Pep Guardiola giành cho Premier League nhằm giành điểm số tối đa trước hai đối thủ chính trong cuộc đua vô địch đường trường có thể thấy rõ, qua sức ép dồn dập mà họ tạo ra suốt 90 phút.

Vấn đề nằm ở chỗ, tâm lí tiến bộ của HLV và cầu thủ nhà nghề tại Mỹ cho phép họ chấp nhận rủi ro về kết quả chuyên môn đến từ Load Management. Một hoặc thậm chí hai trận thua tức thời tại giai đoạn vòng bảng sẽ là mất mát đáng chấp nhận, nếu như đánh đổi nó với mất mát dài hạn về nhân sự. Nó rất khác với tâm lí hiện hữu của người làm bóng đá, khi luôn muốn vận động viên phải thúc đẩy tối đa vượt giới hạn bản thân, bất kể thời điểm hay tính chất trận đấu.

Kawhi Leonard và chức vô địch NBA trong màu áo Toronto Raptors

Ngược lại, tại Parc des Princes, trước đối thủ được coi là thế lực mới nổi đáng ngại nhất cản đường tham vọng đoạt cúp châu Âu, Man City đã không tạo ra sức ép thường trực xuyên suốt trận đấu để vượt mặt đội chủ nhà, nhất là trong hiệp 2. Thống kê sau trận cho thấy, toàn bộ đội hình The Cityzens chỉ chạy 107km, ít hơn PSG và thua xa mức trung bình của họ trong hai trận đấu còn lại gặp Chelsea và Liverpool với 114km. Cũng có thể đổ lỗi do sự đen đủi khi xà ngang đã cản phá hai bàn thắng của City, nhưng cầu thủ chỉ là con người và bị chi phối bởi khía cạnh tâm sinh lí. Dù duy trì thể lực trên bề mặt, khía cạnh trí lực không được điều tiết thì sự tập trung để đạt phong độ tốt nhất với sức ép liên tục là điều bất khả thi. Dứt điểm vào gôn trống cứ nói là dễ, nhưng người thực hiện ở trạng thái mỏi mệt thì không dễ chút nào. Với những đề xuất mới nhất của FIFA về hệ thống thi đấu quốc tế, khi FIFA World Cup được điều chỉnh với tần suất 2 năm/lần, sức ép về mật độ thi đấu đặt lên cầu thủ đỉnh cao trong những năm tới chắc chắn sẽ còn gia tăng. Trong bối cảnh khó khăn chung về tài chính gây ra bởi đại dịch, cùng những giới hạn chi tiêu đề ra bởi các nhà điều hành bóng đá, không CLB nào đủ khả năng bạo chi để tập hợp hai đội hình với chất lượng tương đương.

Trận thua của Manchester City trước PSG nằm trong tính toán?

Xoay tua, đan cài và chấp nhận đánh đổi rủi ro thông qua kiểm soát thời lượng và cường độ hoạt động cầu thủ là điều không thể tránh khỏi. Bằng không, chúng ta sẽ còn được chứng kiến nhiều hơn những sự “bất ngờ” mà không bất ngờ chút nào trong tương lai, khi những tập thể gồm toàn cầu thủ ưu tú nhưng kiệt quệ về thể trạng chịu cảnh bại trận.