Cuối cùng, cánh cửa thị trường Hè 2021 cũng đã đóng sập lại, với những thương vụ vội vã nhưng không kém phần ấn tượng và bất ngờ. Việc Chelsea có được Saul, Atletico đoàn tụ Griezmann và PSG vớt nốt Nuno Mendes đã khiến bối cảnh phiên chợ chiều trở nên sôi động vô cùng. Nhưng tổng hợp lại, mọi bất ngờ đều dồn vào Arsenal, đội bóng đã chi tới 165 triệu euro cho kỳ mua sắm đông vui này.
Việc Arsenal chi nhiều tiền đến thế gợi nhắc chúng ta về một mùa Hè trước, khi Chelsea là đội bạo chi nhất Ngoại hạng Anh. Nhưng gợi nhắc ấy sẽ chỉ thêm khiến những ủng hộ viên Arsenal cảm thấy chạnh lòng hơn mà thôi. Nếu một năm trước, Chelsea có sự bổ sung ồ ạt và dù đã trải qua một mùa bóng đầy biến động, họ vẫn leo lên ngôi cao nhất ở Champions League thì ở năm nay, Arsenal sẽ chơi ra sao? Trước mắt, họ không có mặt ở Champions League và đã thua 3 trận tủi hổ ở Premier League rồi.
Với những cái tên Ben White, Ramsdale, Lokonga, Tavares, Odegaard…, việc Arsenal chi 165 triệu euro khiến nhiều người nghĩ rằng họ đang xây dựng một tham vọng lớn. Nhưng thực tế, với số tiền đắt đến phi lý cho Ben White và Ramsdale, phần chi còn lại của Arsenal cho 3 nhân tố kia không quá lớn. Chi phí thấp đủ để hiểu Lokonga và Tavares chỉ ở dạng tiềm năng trong khi trình độ Odegaard như thế nào thì nhiều người đã được kiểm chứng qua mùa giải vừa rồi, cũng trong chính màu áo Arsenal.
Tất nhiên, giá trị cầu thủ Anh luôn đắt hơn các cầu thủ nước ngoài trong nội bộ thị trường Premier League là điều dễ hiểu. Các rào cản về giấy phép lao động, về suất đăng ký cầu thủ bản địa (homegrown) tối thiểu vv và vv đã khiến các cầu thủ xuất thân từ những lò đào tạo Anh có giá hơn. Nhưng không thể chỉ vin vào các rào cản ấy để nói rằng Arsenal đã có những kỳ chuyển nhượng kém cỏi. Nguyên nhân cốt lõi nằm ở chính họ, cả về tổng thể lẫn về cá nhân từng con người.
Hãy nhìn vào trường hợp của Ben White và chúng ta so sánh thử với Jerome Boateng chuyển đến Lyon theo dạng tự do. Ben White chỉ hơn Boateng đúng sức trẻ, nếu tính ở các chỉ số của thời điểm hiện tại. Và dù Arsenal rất cần tăng cường sức mạnh hàng thủ đi nữa, họ thật ra cũng không phải đang ở tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng ở vị trí trung vệ. Thứ họ cần là 1 cái tên uy tín, chất lượng, kinh nghiệm để đủ sức tạo một nền tảng cơ bản trong quá trình tái thiết CLB.
Ben White là thương vụ mua trung vệ thứ 4, trong mùa hè thứ 4 liên tiếp của Arsenal
Nhưng họ không chọn những cầu thủ kiểu như Boateng, mà thay vào đó là Ben White. Có thể chính sách hướng đến tương lai vẫn là thứ mà Arsenal theo đuổi nhưng tương lai sẽ ra sao khi mà hiện tại còn chưa đảm bảo và bản thân tiềm năng tương lai kia cũng chưa thể hiện rõ rệt mình có thể là một ngôi sao tầm vóc châu lục.
Và vấn đề cơ bản là những cầu thủ kiểu như Boateng không lựa chọn Arsenal. Khi họ đến với một CLB như Lyon, chắc chắn họ không thể kiếm nhiều tiền hơn một đích đến như Arsenal. Cơ bản, họ không tin rằng ở đó có một dự án có sức nặng thuyết phục. Đã quá lâu rồi, Arsenal không còn là điểm đến hấp dẫn nữa và nếu nói không ngoa, họ bắt đầu trung bình hoá chính bản thân mình suốt một khoảng lặng quá dài.
Bản thân những CLB cùng thành phố, bị xem là kém tiềm lực tài chính hơn Arsenal, cũng có những mua sắm khôn ngoan hơn. West Ham đón Kurt Zouma trong khi Tottenham mua được Bryan Gil và Emerson và chắc chắn, những hợp đồng ấy khó có thể bị xem là kém chất lượng hơn các bổ sung hàng thủ của pháo thủ. Và nếu xét về mặt giá cả, việc so sánh này có thể khiến chúng ta có cảm giác Arsenal đã… bị lừa.
Kurt Zouma gia nhập West Ham
Tầm cỡ Arsenal hôm nay chắc chắn không thể so sánh được với các đội bóng top 4 Premier League nói riêng và mở rộng ra là những đại gia châu Âu như PSG, Real, Bayern… nói chung. Từ việc thua kém về tầm cỡ, mà quan trọng nhất là khả năng cạnh tranh danh hiệu và khả năng tài chính để trả lương, chuyện thua sút trong cuộc đua chuyển nhượng là dễ hiểu. Song, một nguyên nhân cơ bản mà chúng ta cũng cần xác định chính là ở Arsenal hôm nay không có những con người đủ tạo ra lòng tin cho cầu thủ tài năng như thời Wenger trước kia.
Dưới tay Wenger, Arsenal cũng trả lương rất thấp so với mặt bằng các CLB hàng đầu nhưng ít ra, họ vẫn từng có được những tiềm năng rất lớn như Fabregas, Van Persie, Belletti… Ngay cả những cầu thủ ngôi sao của Arsenal hôm nay như Lacazette hay Aubameyang cũng là những mua sắm mà Wenger từng thực hiện. Bản thân Wenger có một uy tín để cầu thủ tin rằng làm việc với ông, họ có thể đạt được gì đó. Còn Arteta hiện nay thì sao? Chính bản thân ông có khi còn chưa tin nổi mình có thể đạt được gì trong nghề huấn luyện thì làm sao ông có thể thuyết phục ai đó tin mình.
Đó là còn chưa kể đội ngũ tuyển trạch viên của Arsenal hiện thời đã không còn là mạng lưới tinh ranh, mạnh mẽ, toả rộng mà Wenger từng xây dựng. Edu trở thành sếp của đội ngũ săn đầu người và anh ta thay toàn bộ cả một hệ thống cũ, với lý do nó lỗi thời. Nhưng hệ thống anh ta tạo dựng thì sao? Nó cập nhật nhưng liệu nó có những con mắt tinh đời?
Và khi thị trường chuyển nhượng mùa Hè khép lại, so sánh 165 triệu Arsenal chi ra với con số 76 triệu của PSG, 97 triệu của AS Roma, 107 triệu của Leipzig…, chúng ta chắc chắn muốn bật cười vì những món hàng mà Arsenal sắm sửa về. Chỉ hơn 10 năm trước thôi, các CLB ấy thì có cửa gì để cạnh tranh trên thị trường với Arsenal? Nhưng lúc này thì sao? Xuất phát điểm, họ từng thấp hơn nhưng họ có những bước chạy tốt và vững vàng hơn đủ để chỉ một thập niên thôi, họ có thể nhìn Arsenal bằng con mắt khác.
Những đội bóng có hiệu số chi/thu cao nhất mùa giải này tại Premier League
Ở Premier League, việc một đội bóng chi gần 200 triệu euro cho một kỳ chuyển nhượng chắc chắn tham vọng gắn cho họ sẽ phải là đua tranh danh hiệu vô địch. Còn Arsenal, với 165 triệu vừa rồi, khách quan sẽ nghĩ gì? Chắc chắn, 100% đều không tin rằng họ ở cùng mâm với các ứng cử viên. Thậm chí, có những người hoài nghi còn dám khẳng định ngay cả một vị trí trong top 4 cũng là bất khả. Vậy thì cái kỷ lục mua sắm này có thể mang lại cho Arsenal những gì đây ngoài những tràng cười mai mỉa?