đồng hồ
Trang chủ     Bóng đá Tây Ban Nha   /   Đời là thế

Đời là thế

“Ici C’est Paris”, Messi xuất hiện ở phi trường Bourget - Paris trong chiếc áo thun in dòng chữ ấy. Cả thế giới đã theo dõi sự kiện ấy và nó cho thấy tầm ảnh hưởng của Lionel Messi lớn đến nhường nào…

“Ici c’est Messi”, trang nhất tờ L’Equipe chơi chữ khi thay chữ Paris ở tiêu ngữ của PSG bằng cái tên Messi. Một chơi chữ đủ cho thấy một khía cạnh của câu chuyện: một cầu thủ ngang giá trị một CLB.

Chi tiết hợp đồng của Lionel Messi - PSG: Có ưu tiên cho Argentina

Chi tiết hợp đồng của Lionel Messi - PSG: Có ưu tiên cho Argentina Thông tin chi tiết bản hợp đồng giữa Lionel Messi với CLB PSG, trong đó có một số điều khoản liên quan đến đội tuyển Argentina.

Những khoảnh khắc đầu tiên của Messi tại PSG

Những khoảnh khắc đầu tiên của Messi tại PSG Những hình ảnh, khoảnh khắc đầu tiên của Lionel Messi sau khi chuyển đến ngôi nhà mới Paris Saint Germain.

Messi có 103 triệu tài khoản theo dõi trên facebook cá nhân của anh. PSG có bao nhiêu? 43 triệu, tính đến khi Messi chưa đáp xuống phi trường Bourget. Còn Instagram, PSG vốn đang có 38,6 triệu theo dõi đã tăng vọt lên 42 triệu, ngang với tầm của Man Utd, chỉ sau 1 đêm.

QUẢNG CÁO

Những con số vẫn tiếp tục tăng lên

Những con số vẫn tiếp tục tăng lên

Ở Việt Nam, có những người thức tới 2 giờ sáng để xem các kênh youtube livestream sự kiện Messi xuất hiện ở Paris như thế nào. Người ta vốn chỉ thức đêm như thế để chờ xem một trận đấu hay ở các giải đấu châu Âu hoặc chờ xem EURO, World Cup mà thôi. Còn đây không phải là một trận đấu. Chỉ là chờ để xem Messi xuất hiện như thế nào, cười ra sao, vẫy tay vài cái rồi biến mất ngay lập tức. Thực sự đáng ngưỡng mộ vô cùng.

10 năm trước, QSI hoàn tất mua nốt 30% cổ phần PSG để kết cục việc hoàn toàn tập trung vào một hạng mục đầu tư. Tổng số tiền họ mua PSG chỉ cỡ 100 triệu euro mà thôi. Và bây giờ, giá trị hàng công của họ, với bộ ba MNM, có thể gấp mấy lần số tiền mà họ đã chi ra để mua cả CLB.

Tất nhiên, lúc này, để mua lại PSG, con số đã rất khác. Ước tính của Deloitte và Forbes là khoảng 2 tỷ euro, gấp 20 lần số tiền QSI đã chi ra.

Nhiều người thán phục PSG vì những đầu tư chuyển nhượng suốt 10 năm qua. Nhưng cũng nhiều người căm ghét PSG vì những phi vụ này. Họ cho rằng đây là hành vi chơi trội cậy tiền của kẻ nhà giàu. Nhưng thực tế, PSG có đáng ghét đến thế hay không trong những đầu tư này. Đây chính là câu hỏi nên được giải đáp thật rõ ràng và thoả đáng.

Có thực PSG là kẻ nên bị ghét vì tiêu quá nhiều tiền?

Có thực PSG là kẻ nên bị ghét vì tiêu quá nhiều tiền?

10 năm qua, PSG chi 1,3 tỷ euro cho việc mua cầu thủ, thu về 450 triệu euro từ bán cầu thủ, cán cân đầu tư là 850 triệu. Con số ấy là quá lớn so với bất kỳ CLB nào nhưng nó không phải là chơi trội nếu so sánh với lối chi tiền của các đại gia châu Âu. Trong 5 năm giữ cương vị chủ tịch Barca của mình, Bartomeu cũng chi tới 1 tỷ euro cho chuyển nhượng rồi. Và Barca lại là một CLB hội đoàn chứ không phải một doanh nghiệp thể thao thuộc sở hữu của một hoàng quyền như PSG.

Trong vụ Messi, thật ra PSG cũng không mất phí chuyển nhượng. Thứ họ bỏ ra chỉ là tiền lót tay cho gia đình Messi mà thôi. Mức lương họ trả cho Messi hoá ra cũng không cao hơn Barca. Ở Barca, Messi đang hưởng lương 40 triệu euro/mùa theo hộ đồng cũ. Ở PSG, lương của anh là 25 triệu euro nhưng có thể lên tới 35 triệu euro tuỳ theo việc thi đấu. Ở đây không còn là câu chuyện tiền nữa. Nó là câu chuyện của cơ hội. Messi nhận thấy PSG là đội bóng có cơ hội khả dĩ nhất trong các đội mời anh lúc này và hơn nữa, ở đó có Neymar, người mà anh rất muốn chơi bóng cùng.

Nhắc đến tiền, chắc chúng ta chưa quên câu chuyện của Ashley Cole với Chelsea năm nào. Chelsea có làm gì sai trong câu chuyện ấy hay không? Đó là câu hỏi không ai chịu trả lời cả. Họ chỉ chăm chăm chỉ trích Chelsea trong khi họ quên mất rằng việc Arsenal duy trì một hệ thống lương quá thấp so với các đối thủ cạnh tranh cùng một chính sách chuyển nhượng không nhiều hứa hẹn chinh phục danh hiệu mới là thứ khiến Cole bỏ đi. Và anh đã ra đi để đến đúng chỗ. Ở Chelsea, Cole có tất cả những gì cầu thủ chuyên nghiệp mong muốn: tài chính và danh hiệu.

Ngay cả mối quan hệ Barca - PSG cũng vậy thôi. Ở năm 2003, khi PSG còn nghèo so với Barca nói riêng và các đại gia châu Âu nói chung, phó chủ tịch Rosell của Barca đã nhờ vào mối quan hệ với một nhân vật cấp cao của Nike ở Brazil, người có quan hệ mật thiết với Ronaldinho, để tác động riêng tới ROnaldinho trong chuyện chuyển sang Barca. Ronaldinho sau đó đã từ chối ra sân tập, khiến HLV Halilhodzic choáng váng thực sự khi mới chỉ nhận chức được vài ngày thì phải chia tay cầu thủ tốt nhất mà mình có. Barca đưa ra đề nghị mà Ronaldinho không thể chối từ để rồi mua đứt anh từ PSG với giá 30 triệu euro khi mà hợp đồng giữa anh với PSG còn tới 2006.

Barca mang về Ronaldinho từ PSG năm 2003

Barca mang về Ronaldinho từ PSG năm 2003

Sức mạnh của đồng tiền là không ai có thể phủ nhận. Và việc PSG bây giờ sử dụng sức mạnh ấy cũng là chuyện thường. Tại sao phải chọn lối hành xử của người nghèo trong khi họ có tài sản kếch sù trong tay? Đó là lựa chọn của riêng họ và không ai trong chúng ta có quyền yêu cầu họ sử dụng tiền theo cách khác được.

PSG có thể lợi dụng hai năm “ân hận” của UEFA trong các quy định về công bằng tài chính do ảnh hưởng của Covid để bạo chi. Họ cũng có thể đối diện án phạt nếu sau thời kỳ ân hạn này, họ không có được các nguồn thu để quân bình với các chi phí đã bỏ ra. Nhưng cái họ được là thứ vượt qua rủi ro án phạt ấy. Nó chắc chắn là độ nhận diện thương hiệu toàn cầu và rất có thể là chức vô địch Champions League cùng một danh hiệu QBV cho một cá nhân xuất sắc trong đội hình này.

Người Pháp có câu “C’est la vie”, “đời là thế”. Đúng, đời là thế, kẻ nào mạnh vì gạo, bạo vi tiền, kẻ đó dễ dàng thâu tóm quyền kiểm soát hơn. Chúng ta cũng đối diện chuyện trong đời “nén bạc đâm toạc tờ giấy” nhiều rồi mà đôi khi, có người trong chính chúng ta cũng sử dụng sức mạnh tài chính như một quyền lực. Thế thì hãy coi chuyện ở PSG là bình thường. Dù sao, với tiêu ngữ “Ici C’est Paris” của mình, họ cũng có quyền được thốt lên câu “C’est La Vie” cho câu chuyện bạo chi của mình.

Hà Quang Minh

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích