Nếu phải gọi tên nhanh một cầu thủ tiêu biểu nhất của Manchester United, sẽ không ít người nhắc ngay tới David Beckham. Quyết định lựa chọn ấy là đúng. Beck là một cầu thủ dễ mến và chưa bao giờ anh khiến ủng hộ viên của CLB mà mình từng khoác áo phải thất vọng…
Đã có một thế hệ xem bóng đá ở Việt Nam vừa trầm trồ, vừa sợ David Beckham. Những người yêu mến anh sẽ xuýt xoa về những cú tạt chuẩn đến từng millimetre, những cú cứa lòng đá phạt hàng rào “đã đặt là trúng”, những cái nhoẻn miệng cười rất tình trên sân, những cái vuốt tóc điệu đàng nhiều ngụ ý đủ tầm vóc tạo dựng nên nền tảng cơ bản của thế giới bóng đá “luxury” sau này. Còn những kẻ ghét anh (vì họ ghét đội bóng anh khoác áo) thì sợ anh thực sự. Từ đôi chân ấy, đã có nhiều vỡ nát…
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Beck là người của thời đại này, đang khoác áo ĐT Anh dưới tay Southgate? Sẽ vẫn còn những cú tạt chuẩn từng millimetre nhưng nó sẽ không phải từ cánh phải khiến đối thủ phải uể oải. Chúng sẽ bắt đầu từ cánh trái, nơi Beck sẽ được chơi, và sẽ là những cú tạt sớm cuộn vào hướng tới cột hai để những cá nhân như Harry Kane có thể lao vào đón đầu tung nóc lưới đối thủ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Beckham xuất hiện ở thời đại này?
Với mọi tố chất mà Beck có: tốc độ, kỹ thuật cá nhân, khả năng dứt điểm, khả năng chuyền bóng, Beck hoàn toàn có thể được phát triển để trở thành một cầu thủ chơi nghịch kèo. Đã gần hai mươi năm rồi, nghịch kèo trở nên phổ biến ở Premier League sau khi nó đã phổ biến ở châu Âu lục địa. Và bây giờ, chúng ta ngày càng ít được thấy một bàn thắng kiểu Anh cổ điển: một cầu thủ chân thuận biên chạy bám biên tạt bóng vào vòng cấm cho đồng đội đánh đầu ghi bàn.
Nói thẳng, lật cánh đánh đầu đã không còn hiệu quả nữa rồi. Hậu vệ sẽ không cho phép người tạt có đủ không gian để tạo ra một cú tạt đẹp. Trung vệ đủ mạnh để kiếm soát không gian ngăn chặn trung phong đơn độc bên trong. Và trên hết, không ai chơi 4-4-2 cổ điển nữa để các tiền vệ cánh coi như đã “qua thời”.
Kể từ khi sơ đồ 4-2-3-1 trở nên thịnh hành và rồi sau đó là 4-3-3, câu chuyện mỗi đội bóng luôn có ít nhất 1 cầu thủ tấn công biên trong đội hình xuất phát chơi nghịch kèo là chuyện quá bình thường. Việc họ cắt vào nội biên, đặc biệt ở khu cấm địa, để bất thần tung ra cú dứt điểm bằng chân thuận ở đúng độ mở không gian của cơ thể, sẽ tạo ra một cơ hội ăn bàn rất lớn bởi nhiều khả năng, đó là cú dứt điểm hướng về góc xa. Và ở góc xa ấy, nếu có độ chệch, cơ hội vẫn có thể còn được vớt vát lại nếu như có một đồng đội khác băng vào tiếp ứng và nhiều khả năng ghi bàn dù bóng chạm bất kỳ phần nào cơ thể… trừ tay.
Hà Lan của World Cup 1974 đã tạo ra dấu ấn chẳng thể nào quên dù về nhì
Nhưng thực tế, cầu thủ chơi trái kèo không phải là thứ mới mẻ gì? Nó chỉ là một thứ “xu hướng thời thượng” mà thôi. Nó được đẻ ra từ lâu rồi và ngay từ khi ra đời, nó đã đưa một đội bóng lên thẳng ngôi vô địch World Cup. Đó là World Cup 1974, giải đấu mà Hà Lan trở thành một báu vật được ngợi khen đến tận bây giờ dù thất bại.
Những ai chơi tấn công nghịch kèo bây giờ chắc sẽ phải nhớ ơn (dù có khi chả nhớ tên) Dietrich Weise, một HLV của CLB Kaiserslautern từ 1967-1973. Thời đó, ở Kaiserslautern có một cầu thủ chạy cánh phải rất cừ là Bernd Holzenbein. Nhưng làm cách nào để Holzenbein có thể cạnh tranh suất ở Die Mannschaft đây khi mà bóng đá Đức đang sở hữu một Uli Hoeness chạy như một chiếc F1, một Grabowski tạt chính xác còn hơn cả Beckham sau này?
Dietrich Weise, trong một buổi tập, gọi luôn Holzenbein ra sân và thị phạm. Ông đóng vai hậu vệ trong khi Holzenbein là cầu thủ tấn công. Ông khuỳnh chân ra, hạ thấp người và nói: “Nếu cậu từ biên trái cắt vào trung lộ, chân thuận của cậu tấn công trực diện vào trụ của hậu vệ phải của đối phương. Thấy chưa? Cơ hội là thế nào?”. Và ông tạo ra Holzenbein chơi nghịch kèo để chính sự phát sáng của Holzenbein mở ra cả trào lưu chơi nghịch biên ở Bundesliga. Rồi ở chung kết World Cup 1974, khi Hà Lan đang dẫn 1-0, chính cú lừa nghịch chân của Holzenbein đã bắt Wim Jansen của Hà Lan phải phạm lỗi với Holzenbein trong vòng cấm. Penalty. 1-1. Đức thắng 2-1. Nghịch kèo đã thắng vẻ đẹp của Total Football mĩ miều.
Người ghi bàn gỡ hoà 1-1 ở trận chung kết lịch sử 1974, Breitner, một hậu vệ trái, cũng là một người chơi nghịch kèo. Breitner thuận chân phải. Song, vị trí hậu vệ biên vốn ít biến đổi hoặc biến đổi chậm trong một thời gian dài đã không tạo nên làn sóng nghịch kèo như vị trí tấn công biên… cho tới tận ngày hôm nay.
Paul Breitner là cầu thủ hiếm hoi ghi bàn trong 2 trận chung kết World Cup 1974 và 1982
Ở EURO 2020 này, chúng ta thấy khá lạ kỳ với các nhân tố nghịch kèo nhưng chơi ở tuyến dưới như Spinazzola, Maehle, Thorgan Hazard… nở rộ. Thật ra, ý tưởng này đã bắt đầu được áp dụng khá đều ở cấp CLB từ khoảng 5-6 nay và mới chỉ trở nên phổ biến mạnh mẽ ở một hai mùa giải gần đây mà thôi. Vậy thì tại sao chúng lại trở nên nở rộ nhanh đến thế? Lý do thật ra rất đơn giản.
Thứ nhất, sự lên ngôi của các hệ thống sử dụng hàng thủ 3 trung vệ đã bắt đầu đòi hỏi việc sử dụng vị trí biên thủ (wing back) nhiều hơn là hậu vệ biên đơn thuần (full back). Chính vì các hệ thống hàng thủ 3 người này (để ưu tiên quân số cho hàng công) sẽ khiến nhu cầu tăng quân số áp đảo để luân chuyển bóng giữa sân cao hơn và đòi hỏi các biên thủ phải bó vào nội biên để hỗ trợ hàng tiền vệ, đặc biệt là khi một tiền vệ dâng lên chiếm biên hỗ trợ tuyến trên. Hãy hình dung, quãng di chuyển của một tiền vệ trung tâm đang ở mép vòng tròn giữa sân lên biên sẽ ngắn hơn quãng di chuyển của một biên thủ đang đứng ở biên nhưng sau lưng anh ta theo chiều dọc khoảng 10m. Trong khi đó, quãng di chuyển từ biên vào trung tuyến trám vị trí của biên thủ cũng ngắn hơn là leo biên. Tiết kiệm thời gian, tấn chiến không gian, xoay đổi hình thế. Ba lợi ích ấy đủ khiến đối thủ phải thay đổi nhanh để ứng biến.
Thứ hai, nếu ở phần sân đối phương và tham gia tấn công, biên thủ có thể lựa thời cơ cầu thủ tấn công biên dạt cánh và anh ta sẽ lách vào nội biên để trở thành một mũi nhọn khác. Và đối diện anh ta là ai? Là một cầu thủ chơi thuận chân, điều cho phép anh ta dùng chân thuận của mình để tấn công vào trụ của đối thủ, ngõ hầu lấy ưu thế ấy làm bàn đạp cho mình.
Pha phối hợp giữa Maehle và Damsgaard trong trận Đan Mạch và Nga
Thứ ba, các biên thủ nghịch kèo cũng dễ “chuyển cảnh” cho cuộc chơi bằng các cú tạt sớm cuộn vào hướng cột hai để cầu thủ tấn công biên đối diện băng vào đón bóng giống như ta hình dung về Beckham ở đoạn trên. Đây là một cách chuyển biên bất ngờ đủ khiến khối đội hình của đối phương không kịp xoay trở và chỉ có sự tỉnh táo của thủ môn cùng hàng thủ mới có thể chống đỡ được mà thôi.
Và thứ tư, khi phòng ngự, chính các biên thủ nghịch kèo này lại là vũ khí hữu hiệu chống các cầu thủ tấn công nghịch kèo trong việc di chuyển xuyên phá vào nội biên. Muốn thắng, cầu thủ cầm bóng chỉ có cách đánh vào trụ và sẽ có xu hướng tấn xuống dọc biên nhiều hơn. Kết quả là gì? Quay lại bước một: tạt cánh đánh đầu thời nay “không tính tiền”.
Tần suất sử dụng sơ đồ 3 hậu vệ ở vòng bảng EURO
Còn rất nhiều lợi ích khác nữa của việc sử dụng biên thủ nghịch kèo mà khó có thể liệt kê hết vì nó còn phụ thuộc vào tuỳ hoàn cảnh, trạng huống. Nhưng chỉ cần chúng ta nhớ điều này: cả đời Thuram chỉ ghi 2 bàn thắng cho ĐTQG bằng cú sút bất ngờ của mình nhưng số biên thủ ghi bàn bằng chân cho ĐTQG hiện nay đang ngày một nhiều hơn, và đẹp mắt hơn, uy lực hơn. Có thể nói, biên thủ nghịch kèo đang dần trở thành họng súng vô hình được nguỵ trang kỹ của nhiều HLV, nhất là khi việc công thành ngày càng khó khăn hơn như hôm nay.
Nhưng nói gì thì nói, khi biên thủ nghịch kèo không phải là bí kíp riêng của mình HLV nào cả nó sẽ đòi hỏi sự tính toán lớn khi sử dụng bởi người HLV đối diện cũng sẽ có cách khắc chế nếu đoán sớm được ý đồ này. Tính bất ngờ khi ấy sẽ không còn. Bóng đá là cuộc cờ đấu trí mà HLV nào tính được nước đi xa hơn, người đó nhiều cơ hội thắng hơn.
Và trên hết, dùng nghịch kèo như thế nào cho hiệu quả mới là câu hỏi lớn. Nếu đòi hỏi biên thủ phải lên tham gia, hỗ trợ tấn công, sử dụng nghịch kèo may ra mới hiệu dụng. Còn như trường hợp Southgate với Trippier ở trận mở màn, rõ ràng chúng ta chỉ nhận ra đó là thảm hoạ.
Ở Bayern Munich, có khi Pavard được dùng nghịch kèo nhưng Deschamps không dùng anh như thế ở tuyển Pháp. Cơ bản, ông ta có cần việc đó hay không mới là quan trọng. Còn chạy theo trào lưu theo kiểu thấy dân tình chạy thì mình cũng chạy, nhiều khi ngửa cổ nhìn giời lại đổ tại thằng bị chảy máu cam.
Hà Quang Minh
Thethaoso247 & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.