Trước khi vòng 38 khởi tranh, ngoại trừ cuộc đua top 4, cuộc đua vô địch và cuộc đua trụ hạng đã sớm ngã ngũ. Vinh quang thuộc về Manchester City sau một chặng đường thi đầu cực kỳ thuyết phục. Trong khi đó, “tử thần” gọi tên những Sheffield United, West Brom và Fulham. Mùa giải sau, 3 suất ở Championship dành cho họ. Đây không chỉ là câu chuyện tổn thương về mặt tinh thần, danh tiếng mà còn khiến 3 CLB vừa nêu mất khá kha số tiền thưởng vì không còn ở lại chuyến tàu Ngoại hạng Anh mùa tới.
Phần thưởng tài chính dành cho những đội thi đấu tại Ngoại hạng Anh đến từ nhiều nguồn thu khác nhau. Một trong số đó là số tiền phân chia được từ bản quyền truyền hình trong và ngoài nước. Thông thường các câu lạc bộ Ngoại hạng Anh sẽ thu về khoảng 90 triệu bảng tiền bản quyền mỗi mùa. Đó là con số lớn khủng khiếp dành cho các đại gia lẫn nhiều đội bóng nhỏ.
Ngoại hạng Anh có một luật lệ cung cấp một khoản thanh toán cho nhóm các tập thể xuống hạng để họ đối phó với việc phải xuống giải đấu thấp hơn. Tuy nhiên, số tiền đó chỉ tầm 40 triệu bảng, tức tổn thất hơn 50% so với việc còn trụ lại Ngoại hạng Anh. Sheffield, West Brom và Fulham không thể nói không cảm thấy tiếc vì thụt mất 50 triệu bảng được.
45% khoản thâm hụt đó diễn ra trong năm đầu tiên các đội bóng xuống hạng. Đến mùa giải thứ 2, nó giảm xuống 45%, tương đương với 35 triệu bảng. Đến mùa giải thứ 3, nó là 20%, tương đương với 15 triệu bảng.
Tính tổng 3 mùa giải sau khi rớt hạng, số tiền bản quyền truyền hình dành cho các cái tên nói lời chia tay Ngoại hạng Anh như Sheffield, West Brom và Fulham là 90 triệu bảng, đúng bằng phần thu mà họ có thể đút túi nếu còn trụ lại giải đấu 1 mùa giải. Từ đây dễ tính được những CLB xuống chơi tại Championship chỉ nhận về tầm ⅓ khoản thu tối đa có thể nhận nếu cuộc hành trình ở đấu trường cao nhất xứ sương mù tiếp tục diễn ra.
Tiền thu từ khoản hợp đồng thương mại cũng bị ảnh hưởng. Một điều dễ hiểu khi CLB xuống chơi tại Championship, đồng nghĩa danh tiếng của họ giảm sút rõ rệt. Các nhà tài trợ thường lồng thêm “điều khoản xuống hạng”, tức họ có quyền trả ít tiền quảng cáo hơn trước đó. Số tiền trung bình có thể mất tầm 10 triệu bảng/mùa giải.
Nhiều người còn có thể đề cập đến yếu tố doanh thu từ việc bán vé. Họ lo ngại số lượng NHM đến sân theo dõi trận bóng sẽ vơi dần vì phải thi đấu tại Championship. Nhưng thực tế, các chuyên gia cho rằng điều này không quá đáng lo. Bởi Championship có nhiều hơn Ngoại hạng Anh 4 trận và số lượng trận này đủ để bù đắp lại cho việc NHM ít đến sân hơn trước. Ngoài ra, hầu hết NHM vẫn rất trung thành với đội bóng con cưng, nhất là ở mùa giải đầu tiên vừa quay lại Championship. Vì vậy nên yếu tố này tạm thời không gây ra tác động tiêu cực đến với nguồn thu từ những CLB rớt hạng.
Như vậy có thể nhận ra, doanh thu của các đội bóng như Sheffield, West Brom và Fulham sẽ thâm hụt mất 60 triệu ngay mùa giải đầu tiên rớt hạng. Khoản thiệt hại này sẽ còn tăng lên nếu các CLB không ngay lập tức giành quyền trở lại đấu trường cao nhất xứ sương mù, nhất là khi phần tiền được Ngoại hạng Anh hỗ trợ chỉ kéo dài từ 3-4 mùa giải.
Dựa theo các con số vừa liệt kê, đến năm thứ 2, các đội bóng mất khoản thu tầm 65 triệu bảng. Đến mùa giải thứ 3, tổng thiệt hại là 85 triệu bảng. Con số ngày càng lớn qua từng mùa. Đó là lý do các đội bóng không nên ở lại Championship quá lâu. Từ việc rủng rỉnh hầu bao vì tham dự Ngoại hạng Anh cho đến viễn cảnh nhận ít tiền đi khi xuống hạng rõ ràng là cực hình dành cho các CLB.
Mùa tới, Sheffield, West Brom và Fulham phải cố gắng thật nhiều để quay lại Ngoại hạng Anh thi đấu.
Phong Lê