Bất chấp sự tin tưởng của HLV Park Hang-seo và phong độ cao ở cấp độ CLB với vị trí thi đấu tương tự trong màu áo Hoàng Anh Gia Lai, màn trình diễn của Nguyễn Phong Hồng Duy bên hành lang cánh trái những trận đấu vừa qua là chưa hề tương xứng với kì vọng.
Trong hệ thống chiến thuật dựa trên nền tảng 3 trung vệ của CLB Hoàng Anh Gia Lai và Đội tuyển Việt Nam, vai trò của các biên thủ là tối quan trọng. Nhằm đảm bảo cự li linh hoạt của đội hình trong tấn công lẫn phòng ngự, biên thủ không chỉ phải đáp ứng nền tảng thể lực sung mãn để liên tục bao quát chiều dọc và chiều ngang sân, mà còn cần sở hữu sự thông minh để chọn lựa thời điểm lên về hợp lí lẫn khu vực hoạt động dựa theo bố trí vận hành đối phương.
Thành công của ĐTQG lẫn U23 xuyên suốt từ nửa cuối năm 2018 tới nay, từ chức vô địch AFF Cup & SEA Games, sự thăng hoa vào tới tứ kết AFC Asian Cup và chiến thích vượt qua Vòng loại 2 FIFA World Cup, tất cả đều mang dấu ấn đậm nét của cặp đôi biên thủ được đánh giá là ở đẳng cấp hàng đầu Việt Nam, Đoàn Văn Hậu và Nguyễn Trọng Hoàng. Để thay thế cho sự vắng mặt của hai trụ cột, HLV Park Hang-seo đã tìm tới một giải pháp an toàn và phù hợp trên lí thuyết, đó là bộ đôi biên thủ trong chiến dịch V League 2021 thành công của HAGL, Nguyễn Phong Hồng Duy và Vũ Văn Thanh.
Tuy nhiên, nếu như Văn Thanh có điểm xuất phát từ vị trí này và thực tế đã chứng minh thành công năng lực bản thân ở những đấu trường đẳng cấp cao, Hồng Duy không phải là cầu thủ đáp ứng đầy đủ nhiệm vụ cho vị trí biên thủ. Trong thời gian khoác áo CLB và các cấp độ ĐTQG trước đây, Hồng Duy dù đa năng và từng đảm nhiệm cả vai trò tiền vệ biên và hậu vệ biên, nhưng đó là khi số 7 chỉ phải tập trung vào một nhiệm vụ chính, tấn công hoặc phòng ngự.
Chuyển đổi sang sơ đồ 3 trung vệ, khi trách nhiệm và không gian bao quát lớn hơn, bất chấp thời gian trui rèn dưới bàn tay Kiatisak tại cấp độ CLB, Hồng Duy vẫn gặp muôn vàn khó khăn để thích ứng trong màu áo ĐTQG, đặc biệt là tại Vòng loại 3, nơi mà hầu hết các đối thủ ở đẳng cấp hàng đầu châu lục. Thực tế trong hai trận đấu gần nhất gặp Nhật Bản và Saudi Arabia, Việt Nam đều để thua đến từ những thiếu hụt cá nhân mà Hồng Duy để lại.
Trong tình huống Junya Ito thoát xuống ghi bàn mở tỉ số cho Nhật Bản, Hồng Duy rõ ràng vẫn sở hữu lợi thế theo kèm vào thời điểm Takumi Minamino mới nhận bóng và dẫn về hướng khung thành. Dẫu vậy, chỉ 3 giây sau, Ito đã xâm nhập vào vòng cấm và thoát hoàn toàn khỏi tầm truy cản của Hồng Duy, sẵn sàng đón lõng đường bóng từ Minamino. Rõ ràng, Ito là một cá nhân giàu tính đột biến và tốc độ, nhưng việc để cầu thủ nguy hiểm này thoát xuống một cách dễ dàng như vậy phản ánh sự thiếu hụt về tốc độ lẫn kĩ năng phòng ngự từ Hồng Duy.
Tình huống dẫn tới bàn thua của Việt Nam trước Nhật Bản
Lỗ hổng từ khu vực do Hồng Duy quản lí tiếp tục lộ ra trong trận đấu gặp Saudi Arabia, đối thủ cũng sở hữu những cầu thủ chạy cánh tốc độ và khéo léo. Trong tình huống dẫn tới bàn thắng, Hồng Duy đã để đối phương đánh lừa sau pha đảo chân ngoặt bóng vặn sườn. Ở vai trò của một hậu vệ, việc để cầu thủ tấn công vượt qua dễ dàng trong khu vực vòng cấm nguy hiểm như vậy là điều khó chấp nhận.
Trước đó, ngay những phút đầu tiên trận đấu, khung thành Việt Nam đã chao đảo sau pha xuống biên thành công của hậu vệ phải Saudi Arabia, khoan trực diện vào nơi Hồng Duy trấn giữ. Thêm một lần nữa, sự quyết liệt không được thể hiện đúng lúc và kịp thời nhằm ngăn chặn tình huống treo bóng vào khu vực nguy hiểm phía trong.
Thiếu sự quyết đoán của một hậu vệ thực thụ, nhưng ngay cả trong phạm vi tấn công, Hồng Duy cũng thể hiện rất hạn chế sự sẵn sàng lao lên hỗ trợ, trái ngược với người đồng đội phía bên cánh đối diện Văn Thanh. Nếu như số 17 để lại ảnh hưởng đậm nét bằng sự xông xáo trong hầu hết tình huống chuyển đổi hoặc thời điểm có bóng, cụ thể nhất qua bàn thắng đầu tiên Việt Nam ghi được tại Vòng loại 3 vào chính lưới Saudi Arabia, dấu ấn của Hồng Duy xuyên suốt 5 trận đấu vào sân lại khá mờ nhạt.
Nếu tạm gạt qua một bên Vũ Văn Thanh, cầu thủ vốn sở hữu sở trường và kinh nghiệm dạn dày trong vai trò biên thủ và đặt Hồng Duy vào so sánh bên cạnh những người đàn em như Hồ Tấn Tài hoặc Lê Văn Xuân, tiềm năng đáp ứng nhiệm vụ hỗ trợ tấn công của số 7 tỏ ra hạn chế hơn hẳn. Chúng ta có thể thấy rõ hiện thực này trong trận đấu gặp Oman, khi bố trí đội hình của đội chủ nhà tạo ra vô số khoảng trống ở biên để khai thác, nhưng thái độ tiếp cận của Tấn Tài và Hồng Duy là hoàn toàn trái ngược.
Nếu như Tấn Tài luôn chủ động đặt vị trí cao để sẵn sàng hỗ trợ tấn công, Hồng Duy dường như lại tích cực chọn cho bản thân khu vực hoạt động an toàn hơn. Đồng ý rằng, xu hướng của Hồng Duy có thể tới từ sự chỉ đạo vận hành tập thể của HLV Park Hang-seo, nhưng biểu hiện dâng cao cá nhân khá thường xuyên của Văn Thanh hay Tấn Tài lại đang chứng minh cho điều hoàn toàn trái ngược, đó là không có sự giới hạn tuyệt đối nào về vai trò trong tấn công đối với biên thủ.
Ngay trước thềm trận đấu gặp Saudi Arabia, người ta đã được chứng kiến hình ảnh HLV Park Hang-seo dặn dò kĩ lưỡng riêng cá nhân Hồng Duy trong buổi tập chính thức cuối cùng. HLV Hàn Quốc chắc hẳn không phải không biết tới những thiếu sót của cậu học trò, nhưng thêm một màn trình diễn dưới kì vọng nữa của số 7 cho thấy giải pháp thay thế là điều cần thực hiện, trước mắt là tại AFF Cup và xa hơn là 4 loạt trận cuối Vòng loại 3.
Như chúng ta đều hiểu, Vòng loại 3 là nơi trải nghiệm và thử nghiệm cho ĐTQG. Tuy nhiên, cơ hội sẽ là không công bằng cho tất cả, nếu lực lượng thi đấu chỉ tập trung vào một nhóm cá nhân nhất định. Bất chấp sự non nớt về tuổi đời hoặc kinh nghiệm thực chiến, chỉ có cọ xát thực tế mới giúp những cầu thủ trẻ trưởng thành. Hồ Tấn Tài hay Lê Văn Xuân đều ít nhiều đã và đang chứng minh năng lực bản thân trong màu áo ĐTQG và họ cần được trao niềm tin.