Lần đầu tiên đánh bại Trung Quốc trong một trận đấu chính thức tại cấp độ ĐTQG, lại ngay vào ngày đầu tiên của năm mới. 3 điểm này cũng là lần đầu tiên một ĐTQG khu vực Đông Nam Á chiến thắng tại Vòng loại FIFA World Cup cuối cùng, đồng thời giúp Việt Nam trở lại Top 100 trên BXH FIFA. Một khởi đầu mĩ mãn, một mũi tên trúng nhiều đích với sự thỏa mãn hài lòng ở mọi tầng lớp công dân. Vậy thì, ĐTQG Việt Nam còn mục tiêu nào và cần làm gì sau chiến tích?
Đánh bại Trung Quốc không chỉ đem lại những ý nghĩa tích cực về điểm số hay tâm linh, mà còn mang tính chất quan trọng giúp ĐTQG Việt Nam giải tỏa sức ép tâm lí đè nén suốt thời gian dài vừa qua sau những thất bại liên tiếp tại Vòng loại 3 FIFA World Cup cũng như AFF Cup. Chiến thắng này cũng chắc chắn để lại dấu ấn tinh thần sâu đậm trong lòng các cầu thủ rằng, họ hoàn toàn đủ khả năng thi đấu sòng phẳng và giành về điểm số trước những đối thủ hàng đầu châu lục.
Sự tự tin này của toàn bộ đội hình cần được tiếp nối và nâng tầm, bất chấp hai trận đấu Vòng loại cuối cùng vào tháng 3 gặp Oman và Nhật Bản chỉ còn mang tính chất thủ tục. Đã xuất hiện một vài ý kiến cho rằng, để có sự chuẩn bị tốt nhất hướng tới mục tiêu quan trọng hàng đầu trong năm 2022 là bảo vệ tấm huy chương vàng SEA Games trên sân nhà vào tháng 5, các cầu thủ trong độ tuổi U23 nên được ưu tiên sử dụng trong hai trận đấu tới.
Làm như vậy, chúng ta thỏa mãn được mục tiêu ngắn hạn, nhưng có thể mất đi cái lợi dài hạn. Tinh thần tự tin mà toàn bộ đội hình ưu tú ở cấp độ cao nhất cần được duy trì và tiếp tục phát huy, nhất là khi với những gì chúng ta từng chứng kiến qua lượt đi, điểm số trước Oman không phải mục tiêu bất khả thi. Với việc FIFA World Cup 2026 gia tăng số suất tham dự cho các đội tuyển châu Á lên con số 8.5, vị trí thứ 4 hoặc thứ 5 trong bảng đấu Vòng loại 3 ngay từ bây giờ, nên là mục tiêu thực tiễn in hằn trong tâm trí phấn đấu của cầu thủ Việt Nam.
Ngoài hai trận đấu gặp Oman và Nhật Bản đã quy hoạch vào FIFA Days cuối tháng 3, những khoảng thời gian quốc tế chính thức còn lại trong năm 2022 dường như chưa nhận được sự quan tâm cần thiết. Đó là 15 ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 (30/05-14/06) và 9 ngày vào tháng 9 (19-27/09). Trên thực tế, khác với phần đông quốc gia nước ngoài, ưu điểm tổ chức chịu sự chi phối thống nhất của bóng đá Việt Nam giúp việc điều chỉnh hệ thống thi đấu quốc nội phục vụ các đợt tập trung ĐTQG là khá dễ dàng.
Tuy nhiên, vì sao các đợt FIFA Days lại quan trọng và cần tận dụng tối đa? Bởi đó mới là thời điểm chúng ta có cơ hội chạm trán với những đối thủ quốc tế tại cấp độ ĐTQG với lực lượng đầy đủ và hùng mạnh nhất. Dù chỉ là những trận đấu giao hữu, đó chắc chắn là trải nghiệm quý báu cho nhóm cầu thủ ĐTQG hiện tại duy trì độ kết dính, cũng như những nhân tố kế cận có dịp được thử nghiệm mà không chịu sức ép thành tích.
Rất nhiều quan điểm cho rằng, HLV Park Hang-seo đã bảo thủ trong công tác lựa chọn nhân sự. Dẫu vậy, chúng ta cũng hoàn toàn cần thông cảm cho chiến lược gia người Hàn Quốc, khi toàn bộ những trận đấu trong năm qua của ĐTQG Việt Nam đều mang tính chính thức với kết quả là yếu tố cần đề cao. Ngược lại, cũng cần nhìn lại vào góc độ chuyên môn, khi nhiều cầu thủ tài năng như Hoàng Đức, Tuấn Hải hay Tấn Tài chỉ thực sự lộ diện khi những trụ cột luôn được HLV Park sử dụng dính chấn thương.
Tôn trọng FIFA Days sẽ giải quyết được cả hai vấn đề nêu trên, đặc biệt trong bối cảnh ĐTQG Việt Nam còn đó mục tiêu lớn ở tầm châu lục vào năm 2023 là AFC Asian Cup. Muốn duy trì vị thế Top 8 đã giành được tại UAE là thách thức không hề đơn giản và cần chuẩn bị ngay từ bây giờ. Chính vì lí do đó, bỏ qua FIFA Days cho ĐTQG để tập trung nguồn lực cho U23 Việt Nam tham dự VCK U23 Châu Á vào tháng 6, cũng như duy trì hoạt động V League xuyên tháng 9, có vẻ là định hướng chưa thực sự phù hợp.
9 tháng đã trôi qua kể từ khi trận đấu cuối cùng của V League diễn ra. Môi trường bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đóng băng cả vì lí do khách quan do dịch bệnh lẫn chủ quan do những đợt tập trung liên tiếp của ĐTQG. Cách làm thực dụng này dù bước đầu đem tới thành công với thành quả vượt qua Vòng loại 2 cho Việt Nam, nhưng sớm bộc lộ khiếm khuyết nghiêm trọng tại Vòng loại 3 và AFF Cup khi lực lượng ĐTQG không thể có sự đổi mới do không có điều kiện cho số cầu thủ còn lại toàn quốc thể hiện chứng minh năng lực.
V League 2022 dù chưa chính thức khởi tranh, nhưng những trận đấu và giải đấu giao hữu trước mùa giải đã sớm chứng minh sự cần thiết cho sự trở lại của hệ thống bóng đá chuyên nghiệp cấp độ CLB. Tô Văn Vũ, Nguyễn Hữu Tuấn hay Nguyễn Đức Chiến, những gương mặt mới dù chưa được sử dụng thực chiến, nhưng đã gây ấn tượng với HLV Park Hang-seo chỉ thông qua một vài trận đấu tiền mùa giải.
Câu hỏi đặt ra với VFF và VPF bây giờ sẽ là làm thế nào để giải được bài toán tổ chức cho V League. 3 trận đấu mở màn để rồi sau đó tạm ngừng giải gần 3 tháng cho các hoạt động của đội U23 không thực sự là kiến giải hợp lí nếu muốn nâng cao chất lượng giải đấu nói riêng và nền bóng đá Việt Nam nói chung. Sự giải thể của 3 CLB khác nhau trong hai mùa giải vừa qua cũng là vấn đề mang tính bền vững chưa thực sự được giành nhiều chú ý.