Không ít ủng hộ viên Man Utd rất mừng khi cuối cùng họ cũng trút được gánh nặng mang tên Ole Solskjaer. Nhưng cũng vẫn có những người bênh vực Solsa, và tất nhiên, họ đổ lỗi cho quản trị của CLB cũng như thái độ cầu thủ. Người đi cũng đã đi rồi, và thực chất, chúng ta rất cần một đánh giá công bằng về Solsa…
Bây giờ không còn là lúc nói chuyện Solsa có năng lực hay không nữa bởi có tranh cãi vấn đề ấy mãi thì cũng bằng thừa. Thứ có lẽ mà các ủng hộ viên Man Utd quan tâm nhất lúc này chỉ là ai sẽ đến Old Trafford tiếp quản ghế nóng mà thôi. Còn về Solsa, có lẽ chỉ cần điểm lại quãng thời gian ông cầm quân ở Man Utd là đủ. Và với những gì Man Utd có được quãng thời gian ấy, chúng ta hoàn toàn có thể đi đến một đánh giá khách quan và công bằng về kỷ nguyên Solsa.
Khi Solsa tiếp quản ghế từ Mourinho, thực sự phòng thay đồ Man Utd đã là một đống lộn xộn rồi. Tâm lý cầu thủ không ổn định, những mâu thuẫn giữa một vài cá nhân trong đội với Mourinho cũng đã lên tới đỉnh điểm. Và Solsa xuất hiện như một liều thuốc trấn an tinh thần đúng lúc mọi người cùng đang chờ đợi một thay đổi. Chiến thắng 5-1 trước Cardiff lại càng tạo thêm động lực tinh thần bởi kể từ năm 2013 tới thời điểm đó (tròn 5 năm), Man Utd chưa từng có trận nào ở Premier League mà ghi được tới 5 bàn. Chuỗi 6 trận thắng cũng lập nên một kỷ lục cho riêng Solsa. Kể từ Matt Busby, 1946, chưa HLV nào ra mắt ở Man Utd mà có chuỗi trận thắng quá 5.
Tất cả những con số kỳ diệu đó làm nhiều người tin rằng Solsa đến để trở thành huyền thoại. Số lượng người ủng hộ ông ngày một đông hơn. Niềm tin dành cho ông từ lãnh đạo cũng như từ các huyền thoại cũng lớn dần. Nó dẫn tới việc kết thúc cái gọi là tạm quyền để Solsa có bản hợp đồng chính thức ở nơi ông đã trưởng thành, thành danh và lúc bấy giờ, khởi lên một kỳ vọng.
Phong độ tốt đã giúp Solskjaer có 1 hợp đồng xuất sắc
Rất nhiều người đã cho rằng dù có chuỗi trận bết bát vừa qua và bị sa thải nhưng vẫn phải ghi công Solsa vì ông đã vực dậy Man Utd. Thật ra, nhận định này nhiều cảm tính hơn là lý tính. Vực dậy một đội bóng thì phải căn cứ vào điểm cao nhất mà đội bóng ấy đã từng, và từ đó ngã xuống. Điểm cao nhất của Man Utd là gì? Đó là một ứng cử viên số 1 cho chức vô địch Premier League và luôn nằm trong top ứng viên hàng đầu cho chức vô địch Champions League.
Từ điểm cao nhất ấy, sau khi sir Alex Ferguson ra đi, Man Utd rơi xuống đến đáy thấp nhất là gì? Đó chính là 3 mùa bóng 2013/14 với vị trí thứ 7 và mùa bóng 2018/19 với vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng. Cũng có hai lần nữa họ rơi ra ngoài top 4 nhưng ở hai trường hợp ấy, Man Utd vẫn kết thúc mùa bóng bằng ít nhất 1 danh hiệu (cúp FA với Van Gaal và cúp Europa League, League Cup với Mourinho). Vậy thì tính từ cái đáy mà Man Utd đã từng đặt lưng sau cú ngã từ đỉnh cao của mình, Solsa vực dậy Man Utd tới đâu?
Thành tích cao nhất của Solsa chỉ là á quân, ở cả Europa League lẫn Premier League. Không có một danh hiệu nào cả. Nếu so sánh 3 năm của Solsa với 5 năm kế tiếp sự kiện Sir Alex nghỉ hưu, thực tế Man Utd không hề đi lên chút nào. Họ vẫn bình bình ở chính cái điểm chấp chới giữa nơi họ tiếp đất và đỉnh cao họ đã từng. Như vậy, khen ngợi Solsa về thành tích chắc chắn là quá lời. Và nếu căn cứ vào chuyện mùa 2019/20 Man Utd về thứ 3 và mùa 2020/21 họ về nhì để xem đó như là tiến bộ, chúng ta cần phải đặt kết quả ấy vào một hệ quy chiếu khác nữa để đánh giá kỹ lưỡng.
Bỏ qua mùa giải 2018/19, mùa giải tiếp quản giữa dòng và tạm quyền, nếu chỉ tính từ mùa giải 2019/20, chúng ta sẽ nhận thấy số tiền Man Utd chi ra cho chuyển nhượng là như thế nào và có tương xứng với thứ hạng mà Solsa giành được hay không. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu hơn việc có các thứ hạng tăng dần ở hai mùa gần đây của họ đã phải trả bằng những cái giá như thế nào.
Cân bằng chi - thu của các CLB Ngoại hạng Anh kể từ tháng 12/2018
Sau mùa giải 2018/19 coi như bỏ đi với vị trí thứ 6, Man Utd ném 211 triệu bảng Anh vào thị trường chuyển nhượng hè 2019 để Solsa bắt đầu làm cuộc cải cách của riêng mình. Hè 2020, họ chi tiếp 75 triệu bảng và ở hè năm nay, họ chi 126 triệu bảng. Như vậy, tổng số tiền mà Solsa đã dùng cho việc mua sắm cầu thủ trong 3 năm cầm quân tại Man Utd là 412 triệu bảng Anh. Ở sát cạnh họ, Man City chi 402 triệu bảng Anh cho 3 kỳ chuyển nhượng này trong khi ở London, Chelsea chi 370 triệu. Liverpool thì còn khiêm tốn hơn nhiều, với tổng chi chỉ là 120 triệu bảng mà thôi. Và chỉ cần một đối chiếu về đầu tư - kết quả, chúng ta đủ hiểu cái giá của sự tiến bộ mơ hồ mang tên Solsa là như thế nào.
Chính vì mơ hồ về cái gọi là thành tựu mà Solsa mang lại, những người bênh vực ông phải tìm đến các lý do để biện giải vì sao mùa giải này Man Utd của Solsa lại tệ đến thế. Và có những người đổ lỗi cho sự xuất hiện của CR7. Họ nói rằng việc sử dụng CR7 khiến kế hoạch cho Sancho của Solsa phá sản. Họ còn nói thêm rằng CR7 không thường xuyên áp sát để cùng tham gia kế hoạch pressing. Họ thậm chí còn lấy chuyện CR7 đã già và không còn là một Ronaldo của ngày mới rời Man Utd đi nữa. Họ nói như thể CR7 là một cầu thủ không còn một chút giá trị nào về chuyên môn cả mà họ quên mất rằng thật ra, từ đầu mùa tới giờ, Man Utd sống nhờ bàn thắng của Ronaldo khá nhiều.
Đồng ý là Ronaldo không còn sung mãn nữa nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng anh không hẳn là một cá nhân hết giá trị sử dụng. Cầu thủ nào cũng vậy thôi, sẽ đến một lúc tuổi tác trở thành chủ nhân cơ thể họ, khiến họ không thể bùng nổ được nữa. Nhưng vấn đề khai thác cầu thủ ở thời điểm về chiều hiệu quả hay không nằm ở chính tài năng của HLV. Và không thể lấy chuyện tân binh Sancho bỗng dưng mất chỗ vì Ronaldo đột ngột xuất hiện. Hãy nhìn vào Donny van de Beek. Không có ai đột ngột xuất hiện ở hàng tiền vệ của Man Utd suốt hơn một mùa bóng vừa rồi cả. Nhưng van de Beek vẫn không được sử dụng. Đó chính là quyết định của Solsa chứ không thể đánh bùn sang cái ao nào khác.
Ronaldo là điểm hạn chế trong chuyện pressing, nhưng không phải bài toán không thể giải
Còn nếu nói về tạo áp lực để tham gia pressing, thực chất Man Utd của Solsa là một đội bóng tổ chức pressing tệ nhất trong các đội bóng lớn ở Premier League thời gian qua. Ngay cả Bruno Fernandes, ngôi sao được cho là gánh đội suốt thời gian qua, cũng là một cầu thủ rất thiếu hiệu quả trong pressing. Fernandes không già. Fernandes càng không lười. Anh thậm chí còn hoạt động cực kỳ năng nổ. Anh luôn luôn có ý thức lùi về hỗ trợ phòng ngự, thậm chí có những pha tranh chấp được xem là quyết liệt. Nhưng anh vẫn không tham gia pressing hiệu quả. Cơ bản vì ở Man Utd không tồn tại một hệ thống pressing đúng định nghĩa của nó là được lên kế hoạch từ trước, tổ hợp theo nhóm, phân công tỉ mỉ và khoa học để đoạt lại bóng nhanh nhất có thể. Khi chỉ có một hệ thống tồi, đưa vào đó các phụ tùng đắt giá nhất đi nữa thì hệ thống vẫn tồi.
Di sản của Solsa ở Man Utd trong vai trò HLV là gì? Thực tế là không có gì. Và thành tựu của Solsa ở Man Utd suốt 3 năm qua là gì? Có chăng, nó chỉ là chút ảo tưởng mơ hồ về một hồi sinh chủ yếu đến từ tình cảm đậm đầy mà các ủng hộ viên dành cho một siêu dự bị dễ thương một thời mà thôi.
Cơ bản, bản thân chuyện bổ nhiệm Solsa đã là một quyết định kỳ dị rồi. Một HLV đang ở giai đoạn khởi đầu mùa bóng, sẵn sàng đi nghỉ đông và giao phó cho trợ lý của mình (khi ấy là Erling Moe) tạm quyền tiếp quản CLB Molde mà bỗng dưng được nhận việc ở Man Utd thì quả là một lựa chọn quái gở. Và chính việc ấy mới đây cũng đã lặp lại. Sau chuỗi thất bại, khi cần lên dây cót cho các cầu thủ còn lại, hướng họ tới luyện tập nghiêm túc nhân kỳ tập trung đội tuyển, Solsa vẫn chẳng coi có thảm hoạ nào xảy ra và cho xả trại để ông… đưa vợ về Na Uy đi chơi. Chỉ nội việc ấy thôi cũng đủ để thấy Solsa đã vực dậy Man Utd như thế nào, bằng cách nào và tới được với cái đích nào rồi…