Thắng Aston Villa ở FA Cup, Rangnick vẫn không được lòng ủng hộ viên Man Utd. Một bộ phận không nhỏ đã bắt đầu cuộc “biểu tình” trên mạng xã hội, với luận điệu chung “chẳng hệ thống, không ý tưởng, chả bằng thời Solsa”…
Ủng hộ viên Man Utd có lẽ đã bị thời gian chờ đợi suốt bao nhiêu năm làm cho kiệt quệ nên họ không còn đủ kiên nhẫn nữa. Chủ nghĩa Ferguson (Fergusonism) đã thấm đẫm trong họ đến mức độ không một HLV nào có thể làm họ hài lòng. Và Rangnick đã bắt đầu nếm trải thứ đặc sản của Old Trafford sau hơn 1 tháng tại vị: Một trời áp lực từ dư luận.
Áp lực của Rangnick đang lớn dần
Thực tế, việc so sánh Man Utd hôm nay với Man Utd thời Ferguson cũng là chuyện bình thường đối với bất kỳ ai yêu mến Man Utd. Ký ức quá đẹp của những năm trời gắn liền với “Bố già” Scotland đã tạo nên những lớp hoài niệm dày dạn chồng lấp lên nhau và đủ sức phủ nhận bất kỳ một chút diện mạo Man Utd mới mẻ nào vừa kịp nảy mầm từ một HLV nào khác. Hôm nay, sau trận thắng Aston Villa ở FA Cup, Rangnick bắt đầu trở thành một “nạn nhân” kế tiếp của thứ hoài niệm lấp lánh ấy. Và trong các chỉ trích bắt đầu lớn tiếng dần hướng về phía ông, có những người thậm chí còn nói rằng Man Utd của Rangnick còn ít dáng dấp của những ngày xưa cũ hơn là Man Utd của Solsa.
Kha khá ủng hộ viên Man Utd đã đánh giá đội nhà chỉ may mắn mới có thể vượt qua được Aston Villa khi tỷ số cuối cùng chỉ là 1 bàn mong manh. Nhưng dường như họ đã quên rằng may mắn là một phần rất lớn của bóng đá và trong hình dáng của Man Utd kỷ nguyên Ferguson, yếu tố may mắn xuất hiện không hề ít. Câu hỏi đặt ra là “Tại sao họ không nhìn vào chiến thắng mong manh với nhiều yếu tố may mắn này chính là thứ mang đậm “chất Man Utd” nhất?”.
Chiến thắng không làm cổ động viên MU đủ thỏa mãn
Họ muốn thấy một đội bóng hơi cuồn cuộn, giàu năng lượng, nhiều sức mạnh, tạo ra rất nhiều cảm xúc và hưng phấn. Họ không thấy các yếu tố ấy ở đội quân của Rangnick hôm nay. Nhưng phải chăng, việc tựa lưng quá lâu vào quá khứ đã che mờ con mắt nhìn vào hiện tại của chính họ. Dù chiến thắng trước Aston Villa là vất vả nhưng không phải Man Utd nhạt nhoà, thiếu bản sắc, thiếu năng lượng, thiếu quyết tâm. Những pha bóng như pha Fred đeo bám quyết liệt chéo sân để đoạt lại bóng bằng được từ Buendia chẳng lẽ không phải là “chất Man Utd” sao? Hay việc Dalot chơi bóng với cái mắt cá rỉ máu mà vẫn không hề giảm nhịp độ cũng như nhiệt tâm chẳng lẽ cũng không phải là “chất Man Utd” nốt? Ủng hộ viên sốt ruột thì có quyền đòi hỏi nhưng có lẽ đòi hỏi nên gắn liền với thực tế. Nếu Rangnick là một vị thần có thể biến Man Utd trở thành một đội bóng vừa hiệu quả, vừa đẹp mắt, vừa cảm xúc, vừa cống hiến ở tư thế cửa trên thì có lẽ giờ này ông ta đã không ở Old Trafford mà đang vướng bận hợp đồng dài hạn với một Barca hay Real mất rồi.
Thực tế, thứ mà Man Utd đang thiếu hiện nay là tính đồng bộ. Cầu thủ hiểu ý tưởng của HLV; cầu thủ sẵn sàng làm việc hết mình nhưng họ chưa tìm ra được nhịp chung trên sân để biến Man Utd thành một cỗ máy hoàn chỉnh. Việc Man Utd chơi bóng thiếu kỷ luật quá lâu vì quá dựa vào một hai cá nhân ngôi sao suốt thời gian vừa rồi đã tạo nên một tập quán xấu. Đó là họ không thể chơi nhuần nhuyễn như một tập thể hiểu và thống nhất. Để giải quyết vấn đề tồn đọng đã thành thói quen xấu này, dứt khoát cần có thời gian và kể cả là một HLV tài giỏi nhất thế giới ở thời điểm này cũng sẽ phải cần thời gian chứ không thể ngày một ngày hai là xoay chuyển được tình trạng.
Cái MU thiếu là sự đồng bộ giữa các cầu thủ
Rangnick là một HLV theo mẫu người hoạch định chiến lược, người truyền giáo nhiều hơn là một tướng quân ra trận. Và điều cơ bản là ông nhận huấn luyện Man Utd giữa chừng của mùa giải. Do không có sự chuẩn bị cho chính 1 tập thể ngay từ những ngày khởi đầu, việc của Rangnick khó khăn hơn các HLV khác rất nhiều. Hãy hình dung, việc một con tàu đang chạy trên một đường ray cũ và bỗng dưng được chuyển sang một hệ thống đường ray mới sẽ đòi hỏi thời gian chuyển đổi nhiều như thế nào. Đằng này, câu chuyện của Man Utd không chỉ là việc chuyển đổi đường ray như một con tàu mà còn là chuyển đổi cả mục đích, cách thức làm việc, đường lối tiếp cận cũng như ý tưởng… Mọi chuẩn bị hồi mùa Hè đều để phục vụ Man Utd theo quan điểm của Solsa. Bây giờ, nó là Man Utd của Rangnick. Cái khó của Rangnick chính là chỗ đó. Ông đang làm một công việc với một đội bóng mà ông không được chuẩn bị cho nó và mọi chuẩn bị vốn từng có là để dành cho một người khác.
Áp lực thì ở đâu cũng có nhưng áp lực ở Man Utd thì đặc biệt lớn. Không thể phủ nhận, cùng với Barca và Real, Man Utd là một CLB toàn cầu. Sức mạnh thương hiệu của Man Utd cũng tạo ra sức nặng khủng khiếp của những đòi hỏi từ một lực lượng ủng hộ viên đông đảo nhất. Nói không ngoa, áp lực tại Man Utd có thể gấp 10 lần ở các CLB Premier League khác. Đặc biệt, khi áp lực ấy lại đi kèm sự so sánh với một quá khứ vàng son vốn đã khắc sâu vào trong tâm trí của mỗi người.
Sự so sánh luôn xuất hiện
Nhưng Rangnick sẽ không dễ đầu hàng. Một người Đức càng không thích nói chuyện đầu hàng. Nhìn cách ông xử sự với các ngôi sao lớn bé ở Man Utd, chúng ta thừa hiểu ông có cách phản ứng mạnh mẽ như thế nào. Nhưng ông không cứng nhắc và bảo thủ mà thay vào đó là sự linh hoạt. Cái cách ông sẵn sàng bỏ 4-2-2-2 để sử dụng 4-2-3-1 trước Aston Villa đủ cho chúng ta thấy, để tìm chìa khoá giải bài toán Man Utd, ông không tự đóng đinh mình trên cây thập giá mang tên Cái Tôi.
Với một cá nhân như thế, có lẽ áp lực dành cho ông cũng cần được giảm nhẹ lại. Đòi hỏi là cái quyền nhưng cũng cần hiểu tình trạng để đòi hỏi đúng mức độ. Man Utd dẫm chân tại chỗ quá lâu rồi trong khi các đội bóng ở Premier League lại vẫn tiến bộ hàng ngày. Mà tương quan ấy có phải là lỗi của Rangnick hay không? Nếu không phải lỗi của ông, tốt nhất đừng nên châm dầu vào đám cháy trong khi Rangnick vẫn chưa có được cái vòi cứu hoả phù hợp và vừa vặn với tay mình.